(GD TP.HCM): – Sáng 28-10, phiên thảo luận của Quốc hội đã tập trung vào những đánh giá, nhận định về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2008, kế hoạch phát triển năm 2009.
Một trong những vấn đề được hầu hết các đại biểu quan tâm là vai trò của các tập đoàn, tổng công ty (TCT) nhà nước đối với kiềm chế lạm phát. Đại biểu (ĐB) Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, cơ chế điều hành, sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp Nhà nước là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát trong thời gian qua. Đại biểu Hùng nhấn mạnh: “Các tập đoàn, TCT này nắm giữ nguồn vốn rất lớn (76 tập đoàn được giao 403 ngàn tỷ, được vay thêm trên 500 ngàn tỷ) nhưng hiệu quả kinh doanh thấp, tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt trên 17%, thấp nhất trong các khối doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Trong khi đó, các doanh nghiệp này lại đầu tư ồ ạt ra ngoài lĩnh vực: chứng khoán, ngân hàng, bất động sản làm thiếu vốn cho sản xuất, mất cân đối nên kinh tế, là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát…”. Đồng tình với nhân định này, ĐB Triệu Sỹ Lầu (Cao Bằng) nói: “Lạm phát không chỉ bắt nguồn từ các ngân hàng mà còn từ sự đầu tư tràn lan của các tập đoàn, TCT nhà nước. Tôi đề xuất, cần làm ngay việc rà soát và chấn chỉnh hoạt động của tập đoàn, TCT nhà nước, nếu không công sức chống lạm phát trong thời gian qua là vô nghĩa”.
ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) cũng lưu ý, dư luận đang băn khoăn về khả năng trả nợ của các tập đoàn, TCT này. Nhưng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại cho rằng, rất khó kiểm soát và đánh giá hoạt động đầu tư của các tập đoàn và TCT nhà nước; thậm chí, khả năng trả nợ vay của các doanh nghiệp nhà nước cũng rất khó đánh giá.
S.P
Bình luận (0)