Sự kiện giáo dụcTin tức

Quốc hội thảo luận về sửa đổi luật liên quan đến Xây dựng cơ bản

Tạp Chí Giáo Dục

Đơn giản hoá thủ tục, đẩy nhanh tiến độ các công trình
Sáng nay, 29-5, các ĐBQH đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Hầu hết các ý kiến đều đồng tình với sự cần thiết ban hành dự luật này, nhằm đơn giản hoá các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ các công trình XDCB. Ngoài ra, các ĐBQH cho rằng việc bổ sung quy định thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào dự án luật là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu của đông đảo cử tri và nhân dân.
Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục
 ĐBQH ở nhiều tổ đều có chung nhận định rằng, về nguyên nhân chủ quan dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có nguyên nhân hệ thống văn bản còn vướng mắc, thủ tục quy định còn phiền hà, nội dung của một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành chưa phù hợp với thực tế hoặc không thống nhất. Những hạn chế, vướng mắc đó đang làm chậm tiến độ, giảm hiệu quả đầu tư xây dựng các dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước nói riêng và đầu tư xây dựng cơ bản nói chung.
Những nội dung sửa đổi, bổ sung về năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng; điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên; các bước thiết kế xây dựng công trình; thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng; thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình… đã làm rõ hơn nội dung của quy định hiện hành, đơn giản thủ tục, giảm bớt thời gian trong các khâu thẩm định, phê duyệt.
Tuy nhiên, ĐB Tất Thành Cang (TPHCM) cho rằng, Điều 43, khoản 2 của Luật Xây dựng được sửa đổi theo hướng “các tổ chức xã hội – nghề nghiệp công bố các định mức, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và các thông tin liên quan để chủ đầu tư tham khảo làm căn cứ xác định chi phí đầu tư” là vừa thừa, vừa tạo ra khâu trung gian không chịu trách nhiệm pháp lý.
Ông Cang nói quy định như vậy thì các tổ chức xã hội – nghề nghiệp sẽ chỉ công bố định mức, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, mà không chịu trách nhiệm gì khi có sai sót xảy ra.
ĐB Phạm Minh Toản (Quảng Ngãi) cũng đồng tình rằng, “công bố định mức, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và các thông tin liên quan để chủ đầu tư” nên xem là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, nếu giao cho các tổ chức xã hội – nghề nghiệp công bố thì không có đủ cơ sở pháp lý.
Nhiều ĐBQH cũng đề nghị trong luật nên làm rõ một số khái niệm như “công trình quy mô lớn”, “kiến trúc đặc thù”, bởi quy định chung chung như vậy thì sẽ phải chờ văn bản hướng dẫn. Và nếu thế, tình trạng chậm thủ tục ở các công trình sẽ tiếp tục kéo dài.
Triển khai nhanh cơ chế “1 giấy”
Hầu hết các ĐBQH đều tán thành với đề nghị của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai, Luật nhà ở vì xuất phát từ thực tiễn việc tồn tại 2 loại giấy: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (giấy đỏ và giấy hồng) và do hai đầu mối (cơ quan quản lý đất đai và cơ quan quản lý nhà ở) thực hiện đã gây nhiều phiền hà cho người dân và các nhà đầu tư, trong khi nhà và đất cũng như các tài sản trên đất đều luôn luôn gắn chặt chẽ với nhau; việc thống nhất 2 loại giấy và do một cơ quan làm đầu mối thực hiện là nguyện vọng của đông đảo cử tri và đã được thảo luận ở nhiều phiên họp của Quốc hội.
ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) nói từ năm 2003, Quốc hội đã có nghị quyết về thống nhất sổ đỏ, sổ hồng: “Nhưng 6 năm qua người dân vẫn phải chờ đợi vì Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ Xây dựng tranh cãi nhau nên không thực hiện được”. Theo ông Trừng, vấn đề đặt ra là nếu Quốc hội thông qua thì cần phải triển khai ngay.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Minh Hồng (TPHCM) băn khoăn rằng, với sổ hồng hiện nay theo Nghị định 60, khi có chuyển dịch về sở hữu, có thể ghi ngay trên giấy cũ. Còn với loại giấy mới khi có chuyển dịch thì lại phải cấp mới. Bà Hồng đề nghị cần cho đăng ký chuyển dịch sở hữu ngay trên giấy cũ để tránh tốn kém và mất thời gian.
Về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, nhiều ĐBQH tán thành việc giao Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất làm đầu mối và đề nghị văn phòng này vẫn đặt tại cơ quan quản lý đất đai ở địa phương như quy định của Luật đất đai hiện hành, nhưng cần cân nhắc về tên gọi để thể hiện đầy đủ chức năng đầu mối làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Ngoài ra, từ thực tế địa phương, ĐB Đinh Thị Biểu (Quảng Ngãi) cho biết hiện nay ở các huyện, xã không có văn phòng này: “Vậy phải giải quyết vấn đề này như thế nào, có tăng thêm biên chế ở cấp cơ sở hay không? Luật cần làm rõ để các địa phương dễ thực hiện”.
HÀM YÊN (theo Sggp)

Bình luận (0)