Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quốc hội Việt Nam và Lào chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế – xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 5-9, tại TP.Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Đức Hải và Phó Chủ tịch Quốc hội CHDCND Lào Sommad Pholsena đồng chủ trì tọa đàm về “Vai trò của Quốc hội trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế – xã hội”.

Quốc hội Việt Nam và Lào chia sẻ kinh nghiệm về “Vai trò của Quốc hội trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế – xã hội 

Chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài

Tại tọa đàm, đại diện các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, đại biểu Quốc hội 2 nước Việt Nam và Lào đã tập trung phân tích, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài. Đồng thời trao đổi kinh nghiệm về chính sách phát triển kinh tế tập thể tại Việt Nam, chính sách phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…

Nói về chính sách thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài và chính sách phát triển kinh tế tập thể tại Việt Nam, đại diện Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, trải qua 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Qua nhiều lần cải cách hệ thống văn bản pháp lý, khung pháp lý của Việt Nam liên quan đến chính sách thu hút đầu tư đã cơ bản đầy đủ, được đánh giá là cạnh tranh so với các nước. Cùng với các thế mạnh về tình hình kinh tế chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, vị trí địa lý chiến lược, chi phí sản xuất cạnh tranh, nguồn lao động dồi dào, thị trường tiềm năng… Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm 20 nước thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, trong khi đầu tư nước ngoài trên toàn cầu có xu hướng giảm. Năm 2023 vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 36,61 tỷ USD, là mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2018-2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Đức Hải phát biểu tại tọa đàm

Đạt được thành quả đó, Việt Nam có nhiều chính sách nổi bật trong thu hút FDI, như: cải thiện môi trường pháp lý; chính sách ưu đãi đầu tư; phát triển hạ tầng cơ sở; chính sách mở cửa thị trường; đào tạo nguồn nhân lực…

Để tăng cường lợi thế cạnh tranh, sức hấp dẫn và thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, thời gian tới, đại diện Bộ Kế hoạch – Đầu tư Việt Nam gợi mở phía Lào cần thực hiện 5 nhóm giải pháp trọng tâm. Cụ thể, chuyển trọng tâm của chính sách thu hút đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn, có tính chiến lược; có cơ chế “đặc thù”, vượt trội nhằm thu hút các dự án đầu tư trọng điểm, quy mô lớn, có tác động lan tỏa, trong các ngành công nghiệp, công nghệ “then chốt”; xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá, sàng lọc nhằm lựa chọn các nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến, có năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, liên kết với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo “đủ” năng lượng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; có chính sách và các biện pháp để phát triển hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ trong nước, cải cách thủ tục hành chính…; Chủ động phối hợp với các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn, ngân hàng, quỹ đầu tư để tiếp cận lên danh sách các doanh nghiệp đang quan tâm đến đầu tư tại Lào để chủ động tiếp cận, trao đổi, mời gọi đầu tư; Tăng cường cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực kỹ thuật cao; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0…

Quốc hội Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Quốc hội Lào

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các bài tham luận, ý kiến trao đổi, thảo luận cởi mở, mang tính lý luận và thực tiễn cao, nhiều thông tin hữu ích, nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách, cũng như các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của Quốc hội hai nước trong thực hiện chức năng quyết định và giám sát thực hiện các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là các cơ chế, chính sách mới, kịp thời, phù hợp với bối cảnh, điều kiện kinh tế – xã hội của từng nước và tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa hai nước trên nhiều mặt như thương mại, đầu tư…

Phó Chủ tịch Quốc hội CHDCND Lào Sommad Pholsena cho rằng những chia sẻ từ phía Việt Nam là kinh nghiệm quý báu giúp nước bạn Lào vận dụng vào xây dựng chính sách

Việc hai Quốc hội phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên đề đã và đang hướng tới thành cơ chế thường xuyên, đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thực chất và phù hợp với tinh thần hợp tác giữa hai Bộ Chính trị, hai Quốc hội về việc trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tạo nền tảng để liên kết và củng cố mối quan hệ vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.

Thời gian tới, hai nước đặt ưu tiên cao nhất cùng phấn đấu nâng quan hệ hữu nghị truyền thống, Tỉnh đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào lên tầm cao mới, theo phương châm chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào Sommad Pholsena khẳng định, những kết quả tọa đàm là bài học quý báu, thiết thực để nước bạn Lào vận dụng vào việc xây dựng chính sách. Trước đó tại buổi hội đàm giữa hai bên, ông Sommad Pholsena, cho rằng, sự chia sẻ kinh nghiệm từ Quốc hội, của đại biểu Quốc hội Việt Nam nhằm giúp Quốc hội nước bạn Lào có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Hoạt động này đồng thời thắt chặt thêm tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước.

Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)