Cõng gấp 3 lần thiết kế, Quốc lộ 51 đoạn qua tỉnh Ðồng Nai dài 36,5 km đang hứng chịu tình trạng ùn tắc, tai nạn xảy ra thường xuyên…
8 giờ thứ bảy, 22-5, nút giao ngã tư Vũng Tàu, TP Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai, điểm đầu Quốc lộ 51 (con đường nối Ðồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu) kẹt cứng cả hai chiều trên tất cả các làn xe. Xe nhích từng chút một, có lúc dường như đứng tại chỗ. Hàng trăm xe tải, xe đầu kéo container, ôtô khách nối đuôi nhau kéo dài 3 km từ hầm chui đến ngã ba Bến Gỗ.
"Ngày nào cũng kẹt"
Không khí ngột ngạt càng tăng khi có xe chờ hơn 30 phút, lúc này, không ít tài xế ôtô mở cửa kính thò đầu ra ngoài tỏ vẻ sốt ruột. "Ngày nào cũng kẹt, giờ nào cũng kẹt, trước đây kẹt một chiều giờ kẹt cả hai chiều…" – anh Nhân, tài xế xe tải ở TP HCM, vừa nói vừa cho hay tình trạng kẹt xe nơi đây đã kéo dài cả năm nay nhưng dường như các cơ quan chức năng bó tay để mặc cho người dân và phương tiện chịu trận.
Vừa thoát ra khỏi ngã ba trên, giới tài xế lại khốn khổ với ùn tắc ở hàng loạt điểm giao với Quốc lộ 51. Tại điểm giao giữa Quốc lộ 51 với đường chuyên dụng vào khu mỏ đá Tân Cang, hình ảnh khiến ai cũng ám ảnh là bụi mù trời, đá văng tung tóe, bởi từng đoàn xe ben lao từ phía mỏ đá ra như hung thần. "Ôtô và xe máy trên Quốc lộ 51 khi chạy đến đây đều khựng lại. Mặc dù ngã ba này có đèn tín hiệu nhưng nhiều trường hợp đã ghi nhận xe ben không chấp hành nên ai cũng ngán. Xuống một đoạn lại tiếp tục các điểm ùn ứ khác. Mấy năm trước từ Biên Hòa đi Vũng Tàu mất có vài giờ, nay có khi hơn nửa ngày mới tới nơi" – anh Nguyễn Văn Chiến, chạy xe hợp đồng ở TP Biên Hòa, lắc đầu ngao ngán.
Ùn tắc trên Quốc lộ 51, đoạn qua địa phận tỉnh Ðồng Nai đã trở thành “chuyện thường ngày”
Theo ghi nhận của chúng tôi, cùng với kẹt xe thì mặt đường xuống cấp cũng góp phần khiến tình trạng giao thông trên Quốc lộ 51 thêm tệ hại. Nhiều đoạn mặt đường hư hỏng nặng, hằn lún, lồi lõm, nhiều khúc đường đang được sửa chữa, chắp vá. Hiện đoạn giao với đường Ngô Quyền (phường An Hòa, TP Biên Hòa) đang được đào lên sửa chữa, khiến Quốc lộ 51 đã hẹp càng thêm hẹp. Tại điểm giao với Tỉnh lộ 769 ở thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, từ khi dự án sân bay Long Thành khởi động thì lượng xe vào ra tỉnh lộ này tăng lên rất nhiều khiến đường bị cày nát… "Ðường sá luôn bị xe hạng nặng làm hư hại suốt từ nhiều năm qua nhưng không có biện pháp khắc phục thỏa đáng. Ðã vào mùa mưa, mặt đường thì bong tróc, xe ben, xe container chạy rầm rập. Kiểu này ai cũng biết sẽ nguy hiểm đến mức độ nào rồi" – ông Nguyễn Văn Cường, nhà gần điểm giao Tỉnh lộ 769 với Quốc lộ 51, thị trấn Long Thành, bức xúc nói.
Theo ông Ðinh Hồng Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC – chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 51), thiết kế ban đầu của tuyến đường này là 12.000 lượt xe/ngày đêm, tuy nhiên đến cuối năm 2020 thì công suất trung bình lưu lượng xe trên tuyến ước tính đã tăng lên gấp 3 lần so với thiết kế. "Ðã "ốm yếu", Quốc lộ 51 còn "cõng" lượng xe gấp 3 lần so với sức chịu đựng của nó thì sao kham nổi" – ông Hà nói. Ông cũng cho rằng khi dự án sân bay Long Thành vào cao điểm xây dựng thì chắc chắn Quốc lộ 51 sẽ bị gia tăng áp lực, ùn tắc sẽ nghiêm trọng hơn.
Giải pháp nào?
Theo ông Nguyễn Phong An – Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai – không đợi tới dự án sân bay Long Thành tăng tốc thi công, hiện tại nút giao giữa Quốc lộ 51 và Tỉnh lộ 769 qua địa bàn huyện đã quá tải do xe vào ra dự án. "Ngoài tính toán nâng cấp Quốc lộ 51 thì đã đến lúc phải nâng cấp Tỉnh lộ 769 mới mong bảo đảm an toàn giao thông" – Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành khẳng định. Ðồng quan điểm, ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ðồng Nai, cũng cho rằng việc giảm tải cho Quốc lộ 51 là cấp bách.
Theo ông Ðinh Hồng Hà, giải pháp trước mắt có thể thực hiện ngay là cần có sự phối hợp điều hành đồng bộ giữa các đơn vị quản lý khai thác các tuyến trong vùng, chẳng hạn như giữa các trạm thu phí của Quốc lộ 51 và cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây để điều tiết, xử lý ùn tắc. Kế đến về lâu dài, BVEC đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xây dựng 10 nút giao theo kiểu cầu vượt hoặc hầm chui trên tuyến đường này, tổng kinh phí khoảng 3.000 tỉ đồng, ưu tiên cho những nút giao quan trọng. "Ðể phù hợp nguồn lực sẽ thực hiện các dự án theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 gồm 2 nút giao ở Ðồng Nai và 4 nút giao Vũng Tàu, sau đó là các nút giao còn lại. Nếu được chấp thuận thì trong 1 năm sẽ lập phương án đấu thầu, đầu tư theo hình thức BOT" – ông Ðinh Hồng Hà nói.
Cũng để "giải cứu" Quốc lộ 51, tỉnh Ðồng Nai đã bắt tay vào triển khai dự án Hương lộ 2 dài 10 km từ nút giao Bến Gỗ đến cao tốc
TP HCM – Long Thành – Dầu Giây với kinh phí gần 1.500 tỉ đồng. Ðồng thời tỉnh này cũng đang tăng tốc phối hợp với TP HCM xây dựng đường Vành đai 3 kết nối khu vực Quốc lộ 51 với TP HCM. Ngoài ra, Ðồng Nai đang tính toán làm 2 con đường song song Quốc lộ 51, một nối từ xã Long Phước đến xã Phước Thái, đường còn lại nối các xã Phước Bình – Bàu Cạn đến xã Cẩm Ðường (cùng huyện Long Thành).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông, để "giải cứu" Quốc lộ 51 một cách bền vững thì nhất thiết phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. "Khi cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hoàn thành cộng với cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Bến Lức – Long Thành đi vào hoạt động thì chắc chắn Quốc lộ 51 tự khắc sẽ giảm áp lực xe cộ" – ông Não Thiên Anh Minh, Phó Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Ðồng Nai, nhấn mạnh.
Theo thống kê của BVEC, trong năm 2020, toàn tuyến Quốc lộ 51 xảy ra 93 vụ tai nạn giao thông làm chết 39 người, bị thương 82 người; trong đó địa bàn tỉnh Ðồng Nai xảy ra 38 vụ, làm chết 25 người và bị thương 18 người.
|
XUÂN HOÀNG (theo NLĐ)
Bình luận (0)