Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Quy chế có nhiều điểm lợi cho thí sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học môn sinh tại Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi
Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế kỳ thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015. So với dự thảo thì quy chế chính thức có nhiều nội dung đáng chú ý, Giáo dục TP.HCM đã ghi lại ýkiến của các thầy cô giáo và học sinh nói về hai quy chế này.
Thầy Nguyễn Hoàng Việt (Hiệu trưởng Trường THPT Minh Đức, TP.HCM):
Thang điểm 10 không ảnh hưởng đến chất lượng chấm thi
Tôi cho rằng, việc sử dụng thang điểm 10 hay thang điểm 20 không có gì khác nhau vì cách chia chi tiết trong thang điểm cũng tương tự như nhau, không ảnh hưởng nhiều đến việc chấm bài thi của giám khảo, bởi việc chia nhỏ thang điểm đến 0,25 thật ra chỉ để tăng độ chính xác đối với bài thi môn tự luận. Riêng với các môn thi trắc nghiệm, sự chi tiết của điểm chủ yếu là do số câu hỏi trong đề thi quyết định. Dù việc sử dụng thang điểm 20 sẽ thuận lợi hơn cho người chấm nhưng việc thay đổi từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ gây xáo trộn và khiến tâm lý học sinh không thoải mái. Trong khi đó, điểm học tập trên lớp, điểm các bài thi trước đây các em đã quen với việc sử dụng thang điểm 10 nên sử dụng thang điểm 10 là hoàn toàn hợp lý.
Thầy Bùi Quốc Toàn (Phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Tân Phú, TP.HCM):
Nhiều điểm lợi cho thí sinh
Cả hai quy chế đều rõ ràng, kế thừa được những cái hay của quy chế trước đây và tập trung được những ý kiến đóng góp từ nhiều phía trong suốt thời gian qua, nhất là những giới hạn về tự chủ tuyển sinh, các tổ hợp môn thi, ngưỡng điểm xét tuyển…, vốn là những vấn đề được học sinh, phụ huynh và nhà trường quan tâm. Điều tôi thấy tâm đắc nhất là Bộ GD-ĐT đã tổ chức được các cụm thi, gồm cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Cụm thi được tổ chức cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh, do trường ĐH chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT. Điều này sẽ giúp thí sinh không phải di chuyển nhiều, tiết kiệm được thời gian và kinh phí đi lại, đồng thời cũng tạo tâm lý thoải mái hơn cho thí sinh vì được thi ở gần nhà. Tuy nhiên, theo tôi, Bộ GD-ĐT cũng cần phải tính toán kỹ để việc tổ chức thi ở những cụm này vẫn phải đảm bảo tính nghiêm túc, không xảy ra những tiêu cực, sự cố đáng tiếc.
Bên cạnh đó, dù vai trò của các trường ĐH, CĐ với sở GD-ĐT các tỉnh đã được chỉ rõ nhưng tôi cho rằng Bộ GD-ĐT cần lưu ý vấn đề chuyển giao và quản lý kết quả thi của thí sinh, quy trình xét tốt nghiệp và ĐH, CĐ để tránh rườm rà, rối rắm ngay từ đợt thi cải cách đầu tiên.
Cô Đoàn Hồng Trang (Tổ trưởng bộ môn ngoại ngữ Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng):
Hoan nghênh việc thay thế môn thi ngoại ngữ
Tôi từng rất băn khoăn về vấn đề thi môn ngoại ngữ ở dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia trước đây. Rõ ràng, đối với những học sinh miền núi, vùng còn nhiều khó khăn thì việc thi môn ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh) là một áp lực rất lớn. Việc các em được thi môn khác phù hợp với khả năng thay cho môn ngoại ngữ để xét tốt nghiệp là một điểm đáng mừng ở kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Ngoài ra, một điểm nữa mà tôi rất tán đồng với Bộ GD-ĐT là việc miễn thi môn ngoại ngữ với những thí sinh có đủ điều kiện theo quy định của bộ. Tuy không có học sinh nào của tôi nằm trong diện này nhưng tôi nghĩ đây là một quyết định rất hay và thiết thực. Các em học sinh thuộc diện này (thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thí sinh có các chứng chỉ quốc tế uy tín theo quy định tại công văn số 6031/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 23-10-2014) rất xứng đáng được nhận điểm 10 tối đa khi xét tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, việc miễn thi này còn tạo động lực, khuyến khích các em học sinh ở các kỳ thi sau này tiếp tục nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình.
Thầy Phạm Bá Hảo (Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ, Đà Nẵng):
Áp dụng thang điểm 10 là hợp lý
Những quy định trong quy chế kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm nay không có nhiều xáo trộn, phù hợp với sự chuẩn bị từ trước của học sinh, phụ huynh và các trường THPT. Việc áp dụng thang điểm 10 nhằm hai mục đích xét tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh là hợp lý. Hợp lý ở chỗ, thang điểm 10 đã trở thành thói quen trong cách chấm điểm của giáo viên; thứ nữa, ma trận đề không có sự xáo trộn trong cách cho điểm. Vấn đề quan trọng ở đây là cấu trúc đề được phân bố như thế nào? Bộ GD-ĐT cần có sự hướng dẫn cụ thể cho từng môn để giáo viên và học sinh bám sát, ôn tập đạt kết quả tốt. Vấn đề thứ hai ở quy chế thi là về cụm thi. Theo đó, về sự phân chia cụm thi tỉnh, trường và liên trường cần sớm có văn bản quy định cụ thể từng cụm thi nào, ở đâu để học sinh và phụ huynh khỏi băn khoăn, ổn định tâm lý thi.
Cô Lê Thị Cúc (giáo viên môn hóa Trường THPT Ngô Quyền, Đà Nẵng):
Nên hướng dẫn cụ thể về độ phân hóa trong đề thi
Theo tôi, việc quy chế được ban hành sớm góp phần ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và cho cả giáo viên trong kế hoạch giảng dạy, ôn tập. Nhìn chung, các điểm mới của quy chế năm nay không khác xa so với quy chế các năm trước. Việc áp dụng thang điểm 10 là điều hợp lí và tránh được nhiều bỡ ngỡ cho giáo viên và học sinh trong quá trình ôn tập. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần có hướng dẫn cụ thể về phân hóa trong đề thi (bao nhiêu câu ở mức nhận biết, vận dụng, vận dụng cao…) để giáo viên và học sinh có sự chuẩn bị tốt nhất trước một kỳ thi quyết định như thế này. Thông thường, đối với đối tượng học sinh trung bình, để tốt nghiệp, các em chỉ cần ôn tập thật kỹ hai mức độ đó là thông hiểu và nhận biết. Nhưng năm nay, do hai kỳ thi được tổ chức trong một lần nên tất nhiên đề thi sẽ có sự phân bố khác hơn, đặc biệt sẽ có phần vận dụng, vận dụng ở mức cao để tạo cơ hội cho các em xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực của mình. Việc hướng dẫn cụ thể cấu trúc đề thi sẽ góp phần định hướng, ổn định tâm lý cho các em trong bám sát ôn tập tốt hơn.
Linh Vy – Vĩnh Yên (ghi)
Em Trần Thị Giao Linh (học sinh lớp 12 Trường THPT Phạm Phú Thứ, Đà Nẵng):
Không biết đề sẽ phân hóa như thế nào?
Nhìn chung các quy định trong hai quy chế năm nay đều phù hợp, không gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình dự thi. Trước đây, dự thảo đưa ra thang điểm 20, do chưa được làm quen nên học sinh băn khoăn nhưng bây giờ Bộ GD-ĐT vẫn giữ nguyên thang điểm 10 thì chúng em thấy thoải mái hơn. Bởi lâu nay học sinh đã quen với cách chấm của thang điểm 10. Về cấu trúc đề thi, theo em nghĩ chắc sẽ có nhiều câu phân hóa khó hơn, điều đó cũng phù hợp với kỳ thi “2 trong 1”. Nhưng nếu ngay từ bây giờ, được làm quen với các dạng đề như vậy thì chúng em thấy sẽ yên tâm hơn nhiều, bởi lâu nay các giáo trình cũng chỉ ôn tập theo nội dung chuẩn của Bộ GD-ĐT và các dạng đề những năm gần đây; nhưng năm nay là năm đầu tiên áp dụng thi “2 trong 1” nên học sinh còn thấy lúng túng, không biết đề sẽ phân hóa như thế nào?
 
 

Bình luận (0)