Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Quy chế đào tạo mới có lợi cho sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Trong dự thảo Quy chế đào tạo trình độ đại học (ĐH) sắp được Bộ GD&ĐT ban hành có nhiều quy định mới có lợi cho sinh viên như được chuyển ngành, chuyển trường, công nhận tín chỉ, cải thiện điểm…

Lần đầu tiên, hoạt động “trao đổi sinh viên” giữa các trường ĐH được đưa vào Quy chế đào tạo. Ảnh: Diệp An

Lần đầu tiên, hoạt động “trao đổi sinh viên” giữa các trường ĐH được đưa vào Quy chế đào tạo. Ảnh: Diệp An

Cơ hội chuyển trường, chuyển ngành

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, có những sinh viên đôi khi chưa xác định rõ ngành học phù hợp khi trúng tuyển ĐH. Dự thảo quy chế mới mở ra cơ hội chuyển ngành, chuyển trường cho sinh viên nếu đáp ứng các quy định. Cụ thể, Điều 16 của dự thảo nêu các điều kiện để sinh viên được xem xét chuyển sang học một chương trình, một ngành đào tạo khác, hoặc một phân hiệu khác của cơ sở đào tạo (hoặc từ phân hiệu về trụ sở chính); chuyển trường; chuyển từ hình thức chính quy sang hình thức vừa làm vừa học hoặc đào tạo từ xa của cơ sở đào tạo; công nhận kết quả học tập hoặc chuyển đổi tín chỉ đã tích lũy đối với sinh viên thuộc các trường hợp này.

Sinh viên được xem xét chuyển ngành, chuyển trường, chuyển nơi học, ngoại trừ sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa. Theo ông Triệu, quy định này là hợp lý vì phải đến năm thứ hai, sinh viên mới thực sự đủ độ chín để xác định ngành học phù hợp nhất với bản thân. Điều này còn đảm bảo quyền lợi cho sinh viên vì năm thứ nhất, chủ yếu học các môn đại cương, các ngành có sự tương đồng, nhờ đó, việc học tập ở ngành mới, trường mới từ năm thứ hai sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều. “Điểm này cho thấy quy chế hướng đến quyền lợi của người học rất rõ ràng”, ông nói.

Công nhận tín chỉ tích luỹ

Ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó trưởng Phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, quy chế mới cho phép các trường xem xét công nhận những tín chỉ đã được tích lũy thuộc về kỹ năng, năng lực chuyên môn người học đã có, thay vì phải bắt đầu lại từ con số không nếu sinh viên chuyển ngành, chuyển trường hay thi lại. “Đối với các trường, đây là điểm đáng mừng vì chúng tôi cũng thực sự mong muốn như vậy. Không ai muốn khắc nghiệt với người học”, ông Tùng nói.

Dự thảo cho phép linh động thời gian hoàn thành những phần liên quan đào tạo kỹ năng cho người học. Sinh viên chưa hoàn thành học phần Giáo dục quốc phòng – An ninh hoặc Giáo dục thể chất hoặc chưa đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, nhưng đã hết thời gian tối đa được phép học, được trở về cơ sở đào tạo trả nợ để có đủ điều kiện xét tốt nghiệp trong thời hạn 3 năm tính từ ngày thôi học. Ông Trương Đại Lượng, Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, trường ĐH Văn hoá Hà Nội, cho rằng quy định khá chặt chẽ và phù hợp, như chỉ cho phép công nhận tối đa 50% tổng số tín chỉ trong chương trình đào tạo để có cơ hội cập nhật chương trình mới, kiến thức mới.

Dự thảo Quy chế đào tạo ĐH lần đầu tiên đưa hoạt động “trao đổi sinh viên” vào quy định. Trên cơ sở đánh giá và công nhận lẫn nhau của các cơ sở đào tạo, sinh viên của cơ sở đào tạo này có thể đăng ký học một số học phần tại cơ sở đào tạo khác nếu được hiệu trưởng của hai cơ sở đào tạo đồng ý; số lượng tín chỉ mà sinh viên tích lũy tại cơ sở đào tạo khác (nếu có) không vượt quá 25% tổng khối lượng của chương trình đào tạo. 

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)