Cấm công chức uống rượu bia nhằm kéo giảm TNGT là rất đúng đắn
|
Việc chế tài công chức uống rượu bia theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ đã được thực hiện từ đầu năm ngoái. Sau một năm quy định được triển khai, nhiều tỉnh đã đạt hiệu quả tốt. Kết quả đó được minh chứng qua số vụ tai nạn giao thông (TNGT) giảm đáng kể.
Tai nạn do rượu bia
Ngày 26-2 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Cường, một cán bộ công an huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ điều khiển ô tô trong tình trạng không tỉnh táo đã đâm vào xe máy của ông Đặng Huy Trường (sinh năm 1965), Phó bí thư Đảng ủy xã Xuân Huy đang lưu thông cùng chiều. Vụ va chạm khiến ông Trường bị đập đầu xuống đường, còn chiếc ô tô gây tai nạn thì bị mất lái lao về phía trước 30m. Sau khi xảy ra tai nạn, ông Cường bỏ trốn, nhưng sau đó đã bị bắt tạm giam để điều tra nguyên nhân. Phần ông Trường do mất máu quá nhiều nên đã tử vong. Được biết, trước khi xảy ra tai nạn, tại UBND xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao có tổ chức hội nghị và ăn liên hoan, cả nạn nhân và người gây tai nạn đều đã tham dự buổi tiệc này.
Say xỉn, gây tai nạn rồi bỏ chạy, theo đánh giá của nhiều người thì do vô cảm nhiều hơn là sợ hãi. Trước đây, Bộ GTVT đã có đề án “chống vô cảm” đối với lái xe gây tai nạn, tuy nhiên thực tế điều đó vẫn chưa có gì thay đổi. Điểm lại một số vụ TNGT khác trong thời gian qua minh chứng cho điều đó.
Trước đó, vào cuối tháng 3-2013, tại TP.HCM cũng xảy ra vụ tai nạn liên hoàn do chiếc “xe điên” của ông Lê Tôn Thanh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM “đại náo” trên phố. Chỉ số nồng độ cồn trong máu của ông Thanh do cảnh sát đo được là 0,2mg/1DL máu. Sau khi gây tai nạn liên hoàn, ông Thanh đã rời khỏi xe và sau đó mới đến trình diện với cơ quan chức năng.
Chuyện về vụ ông Thanh còn chưa kịp lắng xuống thì đến tháng 5-2013, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng lại gây TNGT khiến 1 người chết và 2 người bị thương. Qua điều tra của cơ quan chức năng cho thấy vị phó giám đốc này có nồng độ cồn trong máu khi điều khiển xe ô tô.
Hạn chế rượu bia là tự bảo vệ mình
Không phải chờ đợi ai nhắc nhở, thầy Bùi Ngọc Bắc, giáo viên toán một trường THCS tại huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang cho hay hình ảnh một người bạn mất đi vì TNGT bỏ lại vợ trẻ con thơ cách đây hai năm khiến anh thức tỉnh và dặn lòng không được phép la cà rượu bia như trước đây nữa. Chỉ vào các dịp lễ tết anh mới cho phép mình vui vẻ một chút với gia đình và bạn bè. Theo thầy Bắc, việc giáo viên say xỉn gây TNGT, tử vong do TNGT, vui cụng ly quên giờ lên lớp hoặc tình trạng say xỉn không làm chủ được bản thân gây ảnh hưởng đến nhân cách đạo đức của người giáo viên là những điều giúp anh quyết tâm hơn để “đoạn tuyệt” với bia rượu.
Cũng ý thức việc hạn chế rượu bia là để bảo vệ sức khỏe của bản thân và đảm bảo an toàn cho tính mạng của bệnh nhân nên một bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã bỏ hẳn việc “chè chén” trong thời gian gần đây. Theo vị bác sĩ có thâm niên gần 20 năm trong ngành y tế, công tác khám chữa bệnh và nhất là khi thực hiện các ca mổ cần có sự tập trung cao độ nên việc dùng rượu bia trong, trước hoặc sau giờ hành chính là điều tuyệt đối phải tránh. Vị bác sĩ này nói ông ủng hộ việc các tỉnh có quy định cấm cán bộ dùng rượu bia, vì đó là một trong những cách hạn chế TNGT, giảm tải cho bệnh viện và góp phần xây dựng văn hóa nơi công sở.
Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng, lãnh đạo các tỉnh nhanh chóng triển khai chủ trương trên và kết quả đạt được thật đáng phấn khởi. Chủ tịch tỉnh An Giang, ông Vương Đình Thạnh cho hay theo thống kê toàn tỉnh có tới 60% TNGT do uống rượu bia. Điều đáng mừng sau khi ký cam kết với 40.000 cán bộ trong tỉnh thì tai nạn giảm được một nửa, chỉ còn 30%. Ông Nguyễn Thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, qua thời gian thực hiện ráo riết quy định cấm rượu bia trong giới công chức, TNGT của tỉnh cũng đã giảm trên 20%. Đồng thời tỉnh cũng xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm, trong đó 25 cán bộ vi phạm đã bị kỷ luật hoặc điều chuyển công tác. Theo nhận định của PGS.TS Đỗ Minh Cương, Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban tổ chức Trung ương, việc uống nhiều rượu bia không chỉ ảnh hưởng xấu đến thái độ, chất lượng, hiệu quả công vụ mà còn có hại cho sức khỏe của chính cán bộ, công chức, viên chức, nên mục đích của quy định cấm công chức uống rượu bia nhằm bảo đảm kỷ luật hành chính, hạn chế TNGT, xây dựng văn hóa và văn minh công sở… Vì những lẽ trên, PGS.TS Đỗ Minh Cương khẳng định: “Lệnh cấm trên đúng với tinh thần và mục tiêu của Luật Cán bộ, công chức hiện hành. Theo tôi, nó không trái luật. Tất nhiên, việc xử phạt cũng phải theo tinh thần xây dựng chuẩn mực hành vi của người thực hiện công vụ: Khách quan, công bằng, từ nhẹ đến nặng, răn đe tái phạm…”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Theo thống kê, năm 2013 cả nước xảy ra hơn 29.300 vụ TNGT, làm chết hơn 9.300 người, bị thương 29.500 người. So với cùng kỳ năm trước đã giảm 1.610 vụ (5%), giảm 55 người chết (0,5%), giảm 3.000 người bị thương (9%). Trong đó, 19 tỉnh có số người chết vì TNGT tăng, trong đó có 7 tỉnh số người chết tăng trên 10% là Khánh Hòa, Hà Giang, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Điện Biên, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế. |
Bình luận (0)