Tại TP.HCM, nhiều năm nay, đặc biệt là từ khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, việc trường học bố trí mấy ngày học/tuần đều được ngành giáo dục trao quyền chủ động cho trường, dựa trên đặc thù về đội ngũ, cơ sở vật chất phòng học. Do vậy, nếu quy định cứng chỉ học 5 buổi/tuần và nghỉ ngày thứ bảy thì trường tự trói chân mình.
Đa số các trường đều học 5 buổi/tuần, riêng thứ bảy được thiết kế để sinh hoạt CLB, phụ đạo học sinh giỏi cũng như nâng cao năng lực cho học sinh có nhu cầu, tạo môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường với số phòng học ít, sĩ số học sinh đông thì việc tổ chức học ngày thứ bảy mới đáp ứng được việc thực hiện, truyền tải được Chương trình GDPT 2018.
Học thứ bảy vì không đủ phòng học, vì đặc thù trường
Năm học này, Trường THCS Chu Văn An (quận 11) có 29 lớp nhưng chỉ có 21 phòng học. Vì thế, để có đủ phòng học cho các lớp, bắt buộc nhà trường phải thiết kế thời khóa biểu học vào sáng thứ bảy.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Nga – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với Chương trình GDPT 2018 không chỉ giúp nhà trường chủ động và thuận tiện để truyền tải các nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình mà còn giúp học sinh được tham gia vào đa dạng các hoạt động giáo dục, để các em có thể phát triển được phẩm chất, năng lực. Trong bối cảnh phòng học không đủ thì bắt buộc nhà trường phải thiết kế thêm buổi học vào sáng thứ bảy.
“Quy định của Bộ GD-ĐT việc dạy học 2 buổi/ngày ở THCS không quá 6 ngày/tuần. Nhà trường được chủ động tổ chức trong điều kiện của trường mình. Việc nhà trường tổ chức dạy học vào thứ bảy với một số lớp được phụ huynh rất ủng hộ, thấu hiểu. Đặc biệt, ngoài việc giảng dạy văn hóa ở một số lớp thì trong ngày thứ bảy nhà trường còn tổ chức sinh hoạt nhiều CLB theo nhu cầu của học sinh, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh ở các môn mà các em chưa tốt…”.
Tương tự, nhiều năm nay Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) đều học vào sáng thứ bảy. Tuy vậy, thời gian biểu lịch học của học sinh sẽ được thiết kế nghỉ học văn hóa chính các buổi chiều thứ ba, năm và bảy để học sinh được tham gia sinh hoạt các CLB theo nhu cầu, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng phụ đạo theo các môn tại trường hoặc học tại nhà theo mong muốn của mỗi học sinh.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân – trong cả tuần học sinh nhà trường có 3 ngày thứ hai, tư, sáu là học 2 buổi/ngày, còn các ngày thứ ba, năm, bảy thì chỉ học buổi sáng. Các buổi chiều thứ ba, năm, bảy đa phần học sinh đều có mong muốn được nghỉ để các em có thể tham gia các CLB hoặc đi học thêm theo nhu cầu.
“Việc xây dựng thời khóa biểu như trên được nhà trường căn cứ theo chính nguyện vọng của học sinh và điều kiện thực tế của trường để có thể cân đối được việc tổ chức, sắp xếp. Làm sao việc học vẫn truyền tải đủ được kiến thức của chương trình, không áp lực nặng nề nhưng vẫn đảm bảo thời gian để các em được tham gia các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện mà trường tổ chức” – thầy Phú chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều trường tiểu học ở các địa phương như quận Bình Tân, Tân Phú, TP.Thủ Đức, học sinh học vào sáng thứ bảy vì trường học không đủ phòng học đáp ứng 100% học sinh chỉ học vào các ngày trong tuần.
“Ở bậc tiểu học, Chương trình GDPT 2018 quy định 100% học sinh phải được học 2 buổi/ngày. Và tối thiểu là 9 buổi/tuần. Với nhà trường, do số lớp học vượt quá so với số phòng học, vì thế để có thể tải hết chương trình và đảm bảo rằng học sinh nào cũng trải nghiệm được các hoạt động mà trường tổ chức thì bắt buộc trường phải thiết kế giờ học vào cả sáng thứ bảy. Không thể làm khác được” – hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.Thủ Đức nói.
Quy định cứng nghỉ thứ bảy là “tự trói mình, trói trò”
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ, Chương trình GDPT 2018 trao quyền chủ động cho nhà trường trong việc tổ chức, thiết kế chương trình, hoạt động giáo dục, miễn sao đảm bảo đáp ứng đủ thời lượng mà chương trình đặt ra, hướng tới mục tiêu cần đạt của mỗi môn học, hoạt động giáo dục. Do vậy, khi triển khai chương trình, nhà trường được tự chủ trong thiết kế thời khóa biểu, các môn học, hoạt động giáo dục.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh, trên thực tế TP.HCM không có một quy định nào bắt trường phải tổ chức dạy học vào ngày thứ bảy mà hoàn toàn trên tinh thần chủ động của mỗi nhà trường, dựa trên đặc thù của trường về điều kiện cơ sở vật chất, phòng học, đội ngũ… Trên thực tế nhiều trường rất khó để cho học sinh nghỉ thứ bảy vì đơn giản là không đủ phòng học cho số lớp học sinh toàn trường.
“Không phải cứ trường nào dạy học vào thứ bảy là trường đó đang tạo áp lực cho học sinh. Mà phải đánh giá một cách toàn diện, bao quát, đảm bảo thuận lợi cho nhà trường trong tổ chức hoạt động giáo dục, tất nhiên cũng phải đảm bảo quyền lợi cho học sinh” – vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
Thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân thì cho rằng, vào ngày thứ bảy ngay cả khi không có giờ học chính khóa nhiều học sinh vẫn vào trường để tham gia các CLB từ sáng đến chiều, vào học ở thư viện hoặc là đến trường nghiên cứu khoa học, thực hiện dự án, làm việc nhóm… Do vậy, nếu quy định cứng nghỉ học ngày thứ bảy không chỉ khó cho nhà trường trong tổ chức hoạt động mà còn tự “trói buộc” học sinh không đến trường tham gia hoạt động.
Hiệu trưởng này nhận định thêm, nhiều hoạt động giáo dục nhà trường bắt buộc phải lấy ngày thứ bảy để tổ chức vì các ngày trong tuần đều đã sắp xếp hài hòa. Ví dụ như hoạt động về hướng nghiệp, các hoạt động trải nghiệm. Đó là chưa kể, ngày thứ bảy mở cửa còn để học sinh vào trường sinh hoạt, học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực, kỹ năng. Đến trường thứ bảy đâu phải là để tạo thêm áp lực học tập cho học sinh mà ngược lại là mở ra thêm nhiều sân chơi rèn luyện cho học sinh…
“Trường học mở cửa ngày thứ bảy không phải chỉ để dạy học sinh các môn văn hóa mà còn tạo thêm nhiều sân chơi để các em được tham gia, rèn luyện theo nhu cầu học sinh và đặc thù của trường. Khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhà trường phải được chủ động trong thiết kế, tổ chức hoạt động, bao gồm cả chủ động trong tổ chức ngày học thì mới có thể thực hiện hiệu quả chương trình” – thầy Phú nhấn mạnh.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)