Bộ LĐTB-XH đang đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét, có Nghị quyết về việc cho phép các doanh nghiệp (DN) tăng thời gian làm thêm của người lao động (NLĐ) từ 40 giờ/tháng hiện nay lên 72 giờ/tháng trước tình hình nhu cầu phục hồi sản xuất tăng cao, thiếu công nhân lao động nghiêm trọng.
Hoạt động sản xuất của Tổng Công ty May 10
Tạo thêm thu nhập
Trao đổi với PV về tình hình tiền lương và giờ làm việc, hầu hết công nhân lao động may mặc, da giày, lắp ráp linh kiện điện tử… tại các khu công nghiệp ở Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… đều bày tỏ mong muốn được làm thêm giờ, thêm ca để có thêm nguồn thu nhập. Chị Bùi Thị Thảo, công nhân may của Công ty cổ phần May Bắc Giang (Bắc Giang) cho biết, từ sau tết đến nay, giá cả các loại hàng hóa, thực phẩm, thuốc men, nhất là chi phí xăng xe tăng cao, nên với mức lương công nhân phổ thông gần 6 triệu đồng/tháng không đủ giúp chị nuôi 2 con ăn học. Do đó, chị Thảo cũng như hàng trăm công nhân ở TP Bắc Giang, Hiệp Hòa, Quế Võ có nhu cầu làm thêm 1-2 giờ mỗi ngày, thậm chí sẵn sàng làm cả vào chủ nhật, để có thêm tiền lương trang trải cuộc sống.
Tương tự, chị Phạm Thị Hoa cùng nhiều công nhân tại một DN may mặc xuất khẩu 100% vốn Hàn Quốc cho biết, chị và con trai phải tạm nghỉ làm gần 1 tháng qua vì các thành viên trong gia đình lần lượt mắc Covid-19. Theo tâm sự của nhiều công nhân, trong các tháng sản xuất “3 tại chỗ”, do làm việc và sinh hoạt ngay tại nhà máy nên thời gian rảnh khá nhiều, hầu hết NLĐ có nguyện vọng được làm thêm giờ để tiết kiệm thời gian. Theo thông tin từ các DN sử dụng nhiều lao động và đang áp dụng chính sách làm thêm giờ, một công nhân nếu được bố trí làm việc tăng giờ vào ngày thứ bảy sẽ được trả công gấp 1,5 lần, nếu làm vào chủ nhật thì được trả gấp 2 lần mức lương.
Chia sẻ với PV, chị Trần Quý Dân, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10, cho biết, có thêm tiền lương – thu nhập luôn là mong muốn của công nhân lao động, và đề xuất cho phép mở rộng “khung” giờ làm thêm để giúp DN, NLĐ tạm thời tháo gỡ khó khăn là chủ trương đúng trong điều kiện tập trung sản xuất, phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, Nhà nước cần có tính toán, quy định cụ thể về mức độ và thời gian làm thêm để DN có căn cứ thực hiện.
Công nhân trong giờ ăn trưa tại công ty.
Giải pháp tình thế
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết hợp dịch chuyển lao động, công nhân về quê… nên nhiều DN, nhà máy đang thiếu công nhân trầm trọng. Theo dự báo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2022, với việc các dự án tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương trên cả nước, nhu cầu sử dụng lao động có xu hướng tăng lên. Nhu cầu sử dụng lao động trong thời gian tới dự kiến tập trung ở các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, du lịch, lao động thời vụ.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh, sau 2 năm dịch Covid-19 kéo dài, khi tổ chức sản xuất trở lại, nhiều DN và NLĐ cũng mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc, với nhu cầu làm thêm trên 40 giờ/tháng và từ trên 200-300 giờ/năm. Từ thực tế này, để bảo đảm hoạt động sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, duy trì việc làm và thu hút đầu tư, Bộ LĐTB-XH đã có đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về tăng số giờ làm thêm. Theo đề xuất này, số giờ làm thêm tối đa trong tháng sẽ tăng từ 40 giờ/tháng hiện hành lên 72 giờ/tháng, đồng thời mức trần giờ làm thêm trong năm tăng từ 200 lên 300 giờ/năm và được áp dụng cho tất cả ngành nghề, do chủ sử dụng lao động và NLĐ thỏa thuận.
Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế. Việc làm thêm giờ như đề xuất sẽ góp phần hạn chế nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam như nông sản, thủy sản, hải sản… Do đó, chính sách này được đề xuất áp dụng từ nay đến ngày 31-12-2022 và tùy theo tình hình thực tế, nếu cần thiết kéo dài thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4, khóa XV vào tháng 10-2022.
NHÓM PV (theo SGGP)
Bình luận (0)