Sự kiện giáo dụcTin tức

Quy định mới về quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 7-7, tại TP.HCM, Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tham vấn Dự thảo nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ (LĐN) và bảo đảm bình đẳng giới (thay thế Nghị định 85/2015/NĐ-CP) nhằm thực thi các quy định mới của Bộ luật Lao động 2019.

Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Văn Bình – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) – nhấn mạnh: Nghị định 85/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với LĐN có một số nội dung chi tiết chưa khả thi. Doanh nghiệp (DN) bỏ chi phí thực hiện chính sách đối với LĐN nhưng đổi lại DN được ưu đãi cái gì? DN sinh ra có trách nhiệm xã hội nhưng là để làm kinh doanh chứ không phải để thực hiện chính sách về bình đẳng giới. Hay như quy định liên quan đến nhà trẻ, mẫu giáo là những quy định không nghi ngờ gì về mặt nguyên lý của chính sách nhưng việc thực hiện thực tế còn nhiều vướng mắc…

Cũng theo ông Bình, Bộ luật Lao động năm 2012 đã có bước tiến quan trọng là lần đầu tiên quy định về quấy rối tình dục tại DN nhưng còn thiếu rất nhiều quy định cụ thể, từ định nghĩa cho đến trách nhiệm người sử dụng lao động, quy trình, thủ tục giải quyết khiếu nại… Vì vậy, dự thảo của nghị định này, ngoài trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành còn có quy định cụ thể theo nguyên lý và cách tiếp cận mới mà Bộ luật Lao động 2019 đã đặt ra, đảm bảo tính phù hợp và khả thi.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Cố vấn nghiên cứu và xây dựng chính sách Tổ chức phi chính phủ Care quốc tế tại Việt Nam – chia sẻ, những ý kiến đóng góp tại hội thảo, đặc biệt là quy định về quấy rối tình dục là một trong những nội dung chi tiết để xây dựng nghị định sát với thực tế, đảm bảo chính sách LĐN và bình đẳng giới.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, sở, ngành, các tổ chức, DN cũng đã tập trung thảo luận các chủ đề: Phòng, chống quấy rối tình dục nơi làm việc; Quy định riêng đối với LĐN và đảm bảo bình đẳng giới như chăm sóc sức khỏe, tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo, chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

Dự thảo nghị định có nhiều điểm mới so với Nghị định 85, cụ thể là: Mở rộng phạm vi áp dụng là người lao động, người sử dụng lao động (thay vì LĐN và người sử dụng lao động có sử dụng LĐN); Quy định cụ thể việc thực hiện các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới, việc tham khảo ý kiến của LĐN hoặc người đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ; Quy định cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và người sử dụng lao động trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo, hỗ trợ chi phí gửi trẻ, lớp mẫu giáo cho con của người lao động; Các biện pháp phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, trong đó quy định cụ thể hơn về khái niệm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc xây dựng quy định phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc…

Được biết, hội thảo này sẽ diễn ra tại miền Trung và miền Bắc trong thời gian tới để tiếp thu ý kiến từ các bên liên quan. Dự kiến dự thảo nghị định sẽ trình Chính phủ vào tháng 9 năm nay.

T.An

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)