Sự kiện giáo dụcTin tức

Quy định mới về tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ: tăng cường liêm chính học thuật

Tạp Chí Giáo Dục

Theo đại diện Bộ GD-ĐT, quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ mới được ban hành có nhiều điều chỉnh; đảm bảo phù hợp với thực tế; tăng cường liêm chính học thuật, học thật, nghiên cứu thật; và nâng cao tự chủ đại học.
Một tiến sĩ trẻ của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong phòng thí nghiệm. /// Ảnh Duy Thành
Một tiến sĩ trẻ của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong phòng thí nghiệm.. ẢNH DUY THÀNH
Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (qua Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT, nên gọi là Quy chế 18). Đây là quy chế nhằm thay thế cho quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ được ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 4.4.2017 (Quy chế 08).
Xem đầy đủ Quy chế 18 ở đây.
So với Quy chế 08, Quy chế 18 có những điều chỉnh theo hướng khoa học, khách quan và công bằng hơn trong đào tạo trình độ tiến sĩ. Đáng chú ý, các quy định trong Quy chế 18 là những nội dung có tính chất tiếp tục mở rộng tự chủ và trách nhiệm giải trình; lượng hóa, chuẩn hóa những quy định về ngoại ngữ và năng lực nghiên cứu khoa học của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh; quy định về tổ chức và quản lý đào tạo linh hoạt hơn.
Tăng tính tự chủ của trường đại học
Để mở rộng tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo tiến sĩ theo luật Giáo dục ĐH 2019 (còn gọi là Luật 34), quy chế mới tiếp tục giảm thiểu những nội dung hướng dẫn chi tiết, thay vào đó, yêu cầu cơ sở đào tạo cụ thể hóa quy trình và thủ tục liên quan. Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm cao hơn về việc tổ chức triển khai thực hiện từ xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức tuyển sinh và công nhận nghiên cứu sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.
Để lượng hóa, chuẩn hóa những quy định, đối với người dự tuyển, quy chế mới bổ sung minh chứng về trình độ ngoại ngữ (sử dụng các chứng chỉ quốc gia theo khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN bên cạnh những chứng chỉ được quốc tế công nhận như IELTS, TOEFL,…).
Các bài báo, báo cáo khoa học trong danh mục tạp chí World of Sciences (WoS) và Scopus vẫn là yêu cầu để minh chứng cho kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu khoa học của người hướng dẫn và đầu ra của nghiên cứu sinh.
Bên cạnh đó, quy chế mới bổ sung việc chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư nhà nước. Các ghi nhận chỉ áp dụng nếu là tác giả chính.
Quy chế 18 cũng cho phép thay thế các công bố nghiên cứu khoa học bằng những kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia hoặc quốc tế; hoặc giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia hoặc quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao, được công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Cách tính điểm sẽ căn cứ theo khung điểm tối đa của Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định, với tổng điểm đối với người hướng dẫn là 4,0 và đối với đầu ra của nghiên cứu sinh là 2,0.
Một điểm mới khác, nhằm đáp ứng hiệu quả trước sự thay đổi trong quá trình đào tạo, các quy định về tổ chức và quản lý đào tạo trong quy chế này linh hoạt hơn và do cơ sở tự chủ quyết định. Người học được tạo điều kiện bảo lưu kết quả học tập trong thời gian nhất định để tiếp tục theo học và nghiên cứu nếu có nhu cầu.
Tạo cơ hội giải trình cho nghiên cứu sinh
Quy chế mới còn điều chỉnh tăng số lượng nghiên cứu sinh/người hướng dẫn trong cùng một thời gian. Quy định này nhằm thu hút, tận dụng tri thức của những người đủ điều kiện để đóng góp vào công tác nghiên cứu, đào tạo thế hệ tương lai, nhưng không làm giảm chất lượng đào tạo.
Cụ thể, giáo sư được hướng dẫn độc lập tối đa 7 nghiên cứu sinh (quy chế cũ là 6); phó giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học được hướng dẫn độc lập tối đa 5 nghiên cứu sinh; tiến sĩ được hướng dẫn độc lập tối đa 3 nghiên cứu sinh. Trường hợp đồng hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh được tính quy đổi tương đương hướng dẫn độc lập 0,5 nghiên cứu sinh.
Các mốc thời gian đào tạo tiến sĩ cũng được thay đổi so với trước để đáp ứng yêu cầu đào tạo thực tiễn. Tổng thời gian đào tạo tiêu chuẩn là từ 3-4 năm. Tổng thời gian học tập nghiên cứu trước khi trình hồ sơ thực hiện quy trình phản biện độc lập và bảo vệ cấp cơ sở là 6 năm. Thời hạn để hoàn thành các thủ tục bảo vệ luận án ở cơ sở sau thời gian này là từ 6 tháng đến 1 năm theo tình hình thực tế do cơ sở đào tạo quyết định.
Quy trình phản biện cũng có thay đổi. Quy trình phản biện có thể tiến hành đến 2 lần, tăng so với 1 lần như quy định trước, nhằm đảm bảo nghiên cứu sinh và người đánh giá có cơ hội giải trình hoặc bảo lưu quan điểm trong nghiên cứu của mình.
“Phản biện độc lập là một trong những kênh hỗ trợ cho cơ sở đào tạo nhìn nhận lại chất lượng đào tạo. Đánh giá của các chuyên gia bên ngoài cơ sở đào tạo về chất lượng luận án của nghiên cứu sinh là căn cứ để cơ sở đào tạo có giải pháp cải tiến quy trình đào tạo và nâng cao chất lượng. Các nội dung liên quan tới quy trình phản biện của Quy chế 18 là để bảo đảm khách quan, công bằng và xác định đúng vai trò của phản biện độc lập”, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT giới thiệu.
Ghi nhận cả những công bố ở tạp chí trong nước
Về việc quy chế mới bổ sung việc công nhận bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước, bà Thủy cho rằng ở thời điểm hiện tại, điều chỉnh này là cần thiết. Bà Thủy, giải thích, hiện nay VN có trên 600 tạp chí khoa học, trong đó có hơn 400 tạp chí nằm trong danh sách được Hội đồng Giáo sư nhà nước tính điểm. Chất lượng của một số tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín ở trong nước trong gần 5 năm vừa qua đã thật sự thay đổi rất tích cực và cần được ghi nhận.
Hiện ta có 1 tạp chí được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu SCIE (Science Citation Index Expansed); 6 tạp chí thuộc ESCI (Emerging Sources Citation Index) của Web of Sciences; 8 tạp chí Scopus và 18 tạp chí được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu của ACI (ASEAN Citation Index).
“Sự ghi nhận, công nhận đối với các tạp chí trong nước sẽ là động lực để các tạp chí khoa học phấn đấu nâng cao chất lượng, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế bằng nội lực, từ đó, đẩy mạnh việc quan tâm xây dựng các tạp chí trong nước vươn lên đẳng cấp quốc tế”, bà Thủy nói.
Một lý do khác, theo bà Thủy, bên cạnh việc góp phần đưa kết quả nghiên cứu của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh đến với cộng đồng khoa học quốc tế, việc công bố các kết quả nghiên cứu qua các tạp chí có uy tín ở trong nước là một kênh để những sản phẩm khoa học có giá trị phù hợp với điều kiện của VN đến được với đông đảo những người quan tâm ở trong nước.
Đây là sự ghi nhận các kết quả nghiên cứu ứng dụng để giải quyết các vấn đề thực tiễn, góp phần tư vấn và xây dựng chính sách tại VN; đồng thời cũng khẳng định trách nhiệm, đóng góp đối với quốc gia của các nhà khoa học, nghiên cứu sinh VN.
Yêu cầu học thật, nghiên cứu thật
Theo bà Thủy, để triển khai thực hiện quy chế mới, các cơ sở đào tạo tiến sĩ cần lưu ý một số vấn đề để vừa đảm bảo chất lượng đào tạo tinh hoa, vừa đảm bảo sự tồn tại, phát triển.
Trước hết, các cơ sở đào tạo cần quán triệt quan điểm, đào tạo tiến sĩ là bậc đào tạo cao nhất trong giáo dục đại học và trong hệ thống giáo dục quốc dân, là đào tạo tinh hoa, đào tạo những nhà khoa học, những nhà nghiên cứu. Do đó, việc đào tạo phải chuẩn từ chất lượng đầu vào, đảm bảo cơ chế có sàng lọc trong quá trình đào tạo và đạt chuẩn chất lượng đầu ra, cũng như phải có tính hội nhập trong bối cảnh quốc tế hóa hiện nay.
Tuy nhiên, việc chuyển từ đào tạo theo số lượng sang chú trọng chất lượng sẽ tạo ra nhiều thách thức cho cả nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và cơ sở đào tạo, nhất là khi trình độ và chất lượng đào tạo giữa các cơ sở, các lĩnh vực đào tạo chưa đồng đều.
Vì vậy, các cơ sở đào tạo tiến sĩ cần chủ động xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu sinh, người hướng dẫn trong việc công bố nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài nước; kết nối các đề tài nghiên cứu của cơ sở với đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; đồng thời, tăng cường sự hợp tác giữa cơ sở đào tạo tiến sĩ – viện nghiên cứu và doanh nghiệp để hỗ trợ các nghiên cứu đặt hàng và chuyển giao công nghệ.
Bà Thủy nói: “Quan điểm của Bộ GD-ĐT khi xây dựng và ban hành Quy chế 18 là kế thừa những quy định tích cực và khả thi gắn với thực tế triển khai hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ của Quy chế 08 tại các cơ sở trong thời gian qua, đồng thời khắc phục một số hạn chế trong thực tiễn triển khai. Đặc biệt, quy chế mới tăng cường quy định bảo đảm liêm chính học thuật, học thật, nghiên cứu thật và nhấn mạnh vào vai trò tự chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ĐH theo Luật 34”.
Theo Quý Hiên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)