Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quy định “xử lý người đi xử lý”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Từ trước đến nay, chúng ta đã có nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước liên quan công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC). Lần này, ngày 27-10, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Quy định 131 đề ra 5 nguyên tắc và 22 điểm (nằm trong Điều 4) giúp nhận diện rất cụ thể những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Cụ thể như: hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với đối tượng kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác…
Quy định 131 cũng nêu rõ rất cụ thể trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, thành viên cấp ủy, tổ chức đảng; trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và cá nhân có liên quan; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khác trong việc xử lý hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền. Có thể thấy, đây là một quy định cần thiết vì phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng là các tổ chức và cá nhân đi kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đối với vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Từ trước đến nay, đã có không ít cán bộ là thành viên đoàn thanh tra đã bị xử lý vì tội tham nhũng, nhận hối lộ của các đối tượng vi phạm. Việc các cơ quan điều tra khởi tố nhiều cán bộ thanh tra càng chứng minh một điều là nạn tham nhũng, tiêu cực vẫn đang tồn tại và len lỏi vào hầu như tất cả các ngành, các cấp, mà ngành thanh tra là một trong những lực lượng bị các đối tượng tội phạm kinh tế tập trung mua chuộc, thao túng.
Không thể phủ nhận các cơ quan thực hiện chức năng PCTNTC đã có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm; kiến nghị, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực tại những cơ quan này, vốn được coi là cần phải trong sạch và liêm chính nhất.
Thực tế cho thấy, các hành vi như dọa dẫm, nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm; bao che, cố tình đưa ra những kết luận sai lệch, nhận quà để làm giảm mức độ sai phạm; cố tình làm trái các quy định pháp luật, bỏ lọt vi phạm, làm sai lệch hồ sơ… đã được phát hiện và xử lý. Do đó, PCTNTC trong các cơ quan thực hiện chức năng PCTNTC đã, đang và sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta.
Cần thấy rõ, nâng cao hiệu quả PCTNTC không chỉ trong nội bộ chính các cơ quan này mà cần có cơ chế giám sát chéo, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giám sát từ xã hội nhằm ngăn ngừa các nguy cơ tham nhũng có thể phát sinh trong quá trình phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng tại chính các cơ quan thực hiện chức năng PCTNTC.
Do đó, khi Quy định 131 được phổ biến đến tận chi bộ, với những quy định nêu rất cụ thể, công tác PCTNTC sẽ được thực hiện một cách chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn và hiệu quả hơn trong thời gian tới. Bởi, khi xử lý tham nhũng tại chính các cơ quan thực hiện chức năng PCTNTC, thì sức răn đe, cảnh tỉnh với các đối tượng tham nhũng, tiêu cực cũng lớn hơn rất nhiều.
MẠCH QUANG THẮNG (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)