Từ ngày 1-8, người điều khiển ô tô, các loại xe tương tự xe hơi vượt đèn vàng sẽ bị phạt từ 1,2-2 triệu đồng. Và mức phạt 300-400 ngàn đồng đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe máy điện. Trước quy định mới, một số người cho rằng mức phạt quá cao, ngược lại một số người mới bắt đầu quan tâm đến việc xử phạt vì từ trước tới giờ không xác định rõ: gặp tín hiệu đèn vàng thì phải dừng hay tiếp tục được đi.
Mặc dù có tín hiệu đèn vàng nhưng các xe vẫn vô tư vượt (ảnh chụp vào lúc 8 giờ sáng 28-7 tại ngã tư Cao Thắng giao Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM) |
Nhập nhằng giữa đèn vàng, đèn đỏ
Nghị định 46 về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt của Chính phủ quy định, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, tức vượt đèn vàng và đèn đỏ sẽ bị phạt 1,2-2 triệu đồng. So với Nghị định 171 năm 2013 của Chính phủ, mức phạt chỉ từ 800 đến 1,2 triệu đồng. Còn với người đi mô tô, xe máy, xe máy điện, vượt đèn vàng phạt từ 300-400 ngàn đồng; người đi xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác sẽ bị phạt 60-80 ngàn đồng. Trường hợp người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dụng vi phạm, số tiền phạt từ 400-600 ngàn đồng. Trước đó, Nghị định 171 quy định mức phạt chỉ từ 100 đến 200 ngàn đồng.
Ông Trần Quang Anh, nhân viên một siêu thị O. (đường Cống Quỳnh, Q.1) cho rằng, ranh giới vi phạm đèn vàng là rất dễ xảy ra. Khi sát vạch sơn (vạch dừng), tín hiệu đèn xanh chuyển sang đèn vàng thì phương tiện không thể dừng lại đột ngột, bắt buộc phải đi tiếp. Và xét theo quy định, vượt thì chắc chắn bị phạt. Nhưng nếu đang đi tới sát vạch sơn, gặp tín hiệu đèn vàng mà dừng xe đột ngột thì dễ bị phương tiện phía sau đi tới sẽ đụng vào. “Với những tình huống trên, người đi đường sẽ gặp không ít khó khăn trong việc dừng hay đi. Nếu như phải chịu mức xử phạt tương đương đèn đỏ thì thực sự quá cao”, ông Trần Quang Anh cho biết.
Theo quan sát của chúng tôi tại các ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai giao Cao Thắng (Q.3); Điện Biên Phủ giao Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), Đinh Tiên Hoàng giao Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1)… khi tín hiệu đèn xanh chuyển sang đèn vàng, các phương tiện ô tô dừng lại, ngược lại, các phương tiện xe gắn máy vẫn vô tư vượt qua, và chỉ dừng hẳn khi có tín hiệu đèn đỏ.
TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông nhận định, với quy định mới được chỉnh sửa chuẩn bị áp dụng trong thời gian tới thể hiện mục đích nâng cao công tác đảm bảo tình hình trật tự giao thông, đảm bảo an toàn cho người đi bộ, kiên quyết tránh tình trạng có đèn vàng báo hiệu mà các phương tiện vẫn cố tình vượt. |
Thanh Giang, người điều khiển xe gắn máy chia sẻ, không thể dừng khi có tín hiệu đèn vàng dẫu biết rằng đó là sai luật, vì nếu dừng, phương tiện phía sau sẽ đụng phải. Trong khi đó, bà Thu Tâm (nhà Q.Tân Phú) lại cho rằng, bản thân bà hiểu, đèn vàng là để báo hiệu cho các phương tiện chuẩn bị dừng, còn đèn đỏ mới dừng hẳn vì thế gặp tín hiệu đèn vàng, bà vẫn lưu thông bình thường. Hơn nữa, từ trước tới giờ, khi tín hiệu đèn xanh chuyển sang đèn vàng, tình trạng các phương tiện vẫn lưu thông rất nhiều nhưng bà chưa thấy nhắc nhở hay xử phạt bao giờ.
Nên chấp hành Luật Giao thông
TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông nhận định, với quy định mới được chỉnh sửa chuẩn bị áp dụng trong thời gian tới thể hiện mục đích nâng cao công tác đảm bảo tình hình trật tự giao thông, đảm bảo an toàn cho người đi bộ, kiên quyết tránh tình trạng có đèn vàng báo hiệu mà các phương tiện vẫn cố tình vượt.
Quy định liên quan đến các tín hiệu đèn thể hiện rõ tại điểm 3, điều 10, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 do Quốc hội ban hành. Cụ thể, tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch sơn, trừ trường hợp đã đi quá vạch sơn thì được đi tiếp. Còn trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường. Như vậy, người điều khiển phương tiện cần hiểu, trước tín hiệu đèn vàng phải giảm tốc độ, dừng lại trước vạch sơn.
“Hiện nay, trường hợp cố tình vượt đèn vàng tập trung nhiều vào các phương tiện xe gắn máy. Tình trạng này diễn ra không ít tại các ngã tư. Có thể do người điều khiển phương tiện nắm luật chưa đầy đủ, cũng có thể do cố tình. Kéo theo đó, ảnh hưởng đến cả những người có ý thức chấp hành Luật Giao thông. Bản thân họ muốn dừng xe cũng không được vì sợ xe phía sau đụng phải”, ông Sanh cho biết.
Cũng theo ông Sanh, cố tình vượt đèn vàng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng khi tốc độ di chuyển của phương tiện cố vượt đang tăng cao, dễ xung đột với dòng phương tiện được phép di chuyển. Vì thế, bất kỳ phương tiện nào tham gia giao thông nên tuân thủ theo quy định để đảm bảo an toàn cho bản thân và người xung quanh.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Bình luận (0)