Chiến lược của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn sẽ gấp 2,5 đến 3 lần so với năm 2020; thu hút được khoảng 5 triệu lao động thường xuyên hoạt động.
Nông dân thuộc Công ty Nico Nico Yasai (phường EaTam, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tham gia sản xuất rau hữu cơ. Đây là một địa điểm đang thu hút khách tham quan, trải nghiệm, nhất là học sinh, sinh viên
Chính phủ vừa phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Chiến lược nhằm phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Bên cạnh đó, chiến lược này còn hướng đến bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời, phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Bảo tồn, phát triển làng nghề gắn với du lịch
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn gấp 2,5 đến 3 lần so với năm 2020; thu hút được khoảng 5 triệu lao động thường xuyên trong các hoạt động ngành nghề nông thôn. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn đạt khoảng 6-7%/năm; giá trị xuất khẩu các mặt hàng ngành nghề nông thôn đạt trên 6 tỷ USD/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực ngành nghề nông thôn đạt 80% và tỷ lệ được cấp bằng, chứng chỉ đạt 35%. Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định đáp ứng 70% nhu cầu phát triển ngành nghề nông thôn.
Tầm nhìn đến năm 2045, ngành nghề nông thôn tiếp tục là hoạt động mang lại thu nhập, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc dân. Cùng với đó, phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của vùng miền.
Theo định hướng được đưa ra tại chiến lược, có 7 nhóm ngành nghề nông thôn được phát triển gồm: Chế biến, bảo quản nông – lâm – thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối; dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
Đặc biệt, chiến lược cũng định hướng bảo tồn và phát triển làng nghề; trong đó tập trung bảo tồn, khôi phục các nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền, gắn với du lịch. Xây dựng các kênh phân phối, giới thiệu sản phẩm làng nghề; phong tặng, tôn vinh và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề, làng nghề truyền thống. Ưu tiên thành lập hội, hiệp hội nghề ở các địa phương, các trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề…
Bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề là một định hướng quan trọng tiếp đó. Theo đó, sẽ khẩn trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư vào các cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung. Giữ gìn cảnh quan nông thôn gắn với làng sinh thái, bảo đảm xanh – sạch – đẹp và thân thiện môi trường. Triển khai hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề trong xây dựng nông thôn mới. Tập trung thu hút đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, hoạt động trải nghiệm du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Phát triển nguồn nhân lực
Để thực hiện mục tiêu của chiến lược, nhiều giải pháp quan trọng được đưa ra như: Hoàn thiện thể chế, chính sách; tổ chức lại sản xuất và hình thành các trung tâm sáng tạo; xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường và hội nhập quốc tế; nâng cao vai trò các hiệp hội ngành nghề nông thôn. Đáng chú ý, ở giải pháp phát triển nguồn nhân lực sẽ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý, chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Đào tạo nâng cao tay nghề, bổ sung kiến thức về khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, thiết kế, đổi mới mẫu mã sản phẩm cho người lao động. Ưu tiên đào tạo lao động tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, vùng nguyên liệu tập trung, cụm công nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách về đầu tư, tài chính, tín dụng cho phát triển ngành nghề nông thôn…
Việt Ngân
Bình luận (0)