Hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam phát triển cả về quy mô, số lượng và ngành nghề đào tạo, qua đó đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Tuy nhiên, việc phân bổ các cơ sở giáo dục ĐH có nơi còn bất cập; có sự khác biệt về quy mô, lĩnh vực, chất lượng đào tạo và hiệu quả đầu tư của Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục ĐH khác nhau.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định điều này tại cuộc họp thuyết minh nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050.
Thực tiễn cho thấy, yêu cầu về chất lượng đào tạo ngày càng cao đối với các cơ sở giáo dục ĐH, nhất là trong lĩnh vực đào tạo giáo viên. Vì vậy, theo Thứ trưởng, ngoài những căn cứ pháp lý, nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm lần này cần đảm bảo hiệu quả của đầu tư Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Thứ trưởng cho rằng, nhiệm vụ lần này khó, quy hoạch cơ sở giáo dục ĐH không chỉ thuần túy về mặt không gian, mức độ đảm bảo chất lượng… mà còn nhiều vấn đề khác. Việc lập quy hoạch cần mang tính mở, đón đầu xu thế phát triển, đặc biệt phải tính đến hiệu quả đầu tư của Nhà nước và xã hội. Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Thứ trưởng đề nghị bộ phận soạn thảo tiếp thu trên tinh thần cầu thị để tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, cần làm rõ nội dung chính, quan điểm, nguyên tắc lập quy hoạch. Quy hoạch không những đáp ứng nhu cầu của người học mà cả yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các vùng, miền trên cả nước; đồng thời gắn với trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và các địa phương. Nội dung quy hoạch cần cụ thể, rõ ràng và tính đến yếu tố đặc thù của các ngành đào tạo, trong đó có ngành sư phạm.
Theo dự thảo “Nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050”, một trong những quan điểm lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH là sắp xếp lại các ĐH, trường ĐH đảm bảo hợp lý về quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; đồng thời đảm bảo hiệu quả đầu tư, hạn chế lãng phí; chất lượng đào tạo; khai phóng, đổi mới sáng tạo, liên kết với doanh nghiệp. Hình thành được một số ĐH, trường ĐH uy tín trong khu vực và thế giới. Sáp nhập các trường ĐH quy mô nhỏ, kém hiệu quả và quy hoạch theo hướng mở, phát triển các ĐH, trường ĐH có điều kiện đảm bảo chất lượng tốt…
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn còn đề cập đến vấn đề xây dựng và phát triển trường trọng điểm; nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH công lập và khuyến khích các trường ngoài công lập phát triển.
Thục Trân
Bình luận (0)