Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Quy hoạch đất duyên hải – bệ đỡ cho nền kinh tế

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đất đai là nguồn tài nguyên quan trọng của các nước trên thế giới, nhất là đất đai khu vực duyên hải để phục vụ phát triển kinh biển.

Đà Nẵng từng bước khẳng định vai trò hạt nhân, là đô thị trung tâm vùng duyên hải miền Trung. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN

Theo các chuyên gia, chính sách quy hoạch đất đai khu vực duyên hải hợp lý sẽ giúp kinh tế biển phát triển mạnh mẽ nói riêng và phục vụ hiệu quả công cuộc phát triển kinh tế-xã hội nói chung của các nước. 
Chính sách ven biển ở một số nước 
Mỹ là một trong những quốc gia đi đầu trong việc áp dụng quản lý tổng hợp biển và vùng ven biển. Mỹ đã thông qua Luật Quản lý Vùng Ven biển (CZMA) vào năm 1972 nhằm tăng cường sự tham gia và phối hợp của các bên liên quan trong việc đưa ra các chương trình liên quan đến vùng ven biển. CZMA cho phép các bang ở Mỹ xây dựng kế hoạch quản lý vùng ven biển, trong đó xác định quyền sử dụng tài nguyên đất và nước trong phạm vi vùng ven biển của bang nên mỗi bang có thể điều chỉnh chương trình quản lý vùng ven biển phù hợp với hiện trạng và nhu cầu riêng. 

Mỹ cũng là nước có số lượng khoá đào tạo về quản lý biển, như quản lý vùng ven biển, chính sách biển, quản lý tài nguyên biển…, tại các trường nhiều hơn đáng kể so với các quốc gia khác trên thế giới. Bên cạnh đó, Mỹ có hệ thống pháp luật về đất đai, trong đó có đất ven biển, rất phát triển có khả năng điều chỉnh được các quan hệ xã hội đa dạng và phức tạp nhất. Luật đất đai của Mỹ quy định công nhận và khuyến khích quyền sở hữu tư nhân về đất đai và đến nay quy định này đang mang lại tác động tích cực đối với phát triển kinh tế đất nước vì phát huy được hiệu quả đầu tư để nâng cao giá trị và hiệu quả sử dụng đất đai, trong đó có đất ven biển. 

Mặc dù công nhận quyền sở hữu tư nhân, nhưng luật đất đai của Mỹ vẫn khẳng định vai trò ngày càng lớn và có vị trí quyết định của chính phủ trong quản lý đất đai, nhất là đất ven biển. Theo quy hoạch chính sách quản lý của Mỹ trong tương lai, các đại dương, bờ biển và vùng hồ lớn cũng như khu vực ven biển tại nước này phải đảm bảo mức độ an toàn (vệ sinh) về môi trường, thịnh vượng và được quản lý một cách bền vững, sử dụng tốt hơn, hạn chế tác động của thời tiết xấu và các thảm họa thiên nhiên, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh việc triển khai một chương trình khám phá những vùng chưa biết đến của đại dương, nhằm thu hút sự tham gia của tất cả thành phần trong xã hội, các cơ quan quản lý Mỹ cũng đã tích cực trao đổi các chính sách về quy hoạch đất ven biển và phát triển kinh tế biển với các quốc gia khác, nhất là các nước phát triển để phát huy vai trò của kinh tế biển trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội. 

Trong khi đó, tại Trung Quốc, chính phủ nước này đã ban hành một loạt đạo luật về quản lý và khai thác đất ven biển, xây dựng khung phí, thuế sử dụng tài nguyên biển. Với việc chú trọng vào bốn vấn đề quan trọng gồm hiện đại hóa sản nghiệp biển, xây dựng quy hoạch khai thác biển, đẩy mạnh khoa học kỹ thuật và bảo vệ môi trường sinh thái biển, khai thác, phát triển biển toàn diện hài hòa, quy mô nền kinh tế biển của Trung Quốc đã phát triển khá nhanh và dự kiến đến năm 2020 có thể tăng gấp đôi so với năm 2010. 

Bài toán phát triển bền vững 
Đông Nam Á là một điểm sáng trong vấn đề quy hoạch đất ven biển với việc các nước như Thái Lan, Indonesia đã đạt được những thành công nhất định trong chính sách quy hoạch đất ven biển, nhất là xây dựng các dự án du lịch nghỉ dưỡng để phục vụ khách nước ngoài. Vị trí được chọn xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng là các vịnh, đảo có bãi tắm đẹp kết hợp với khai thác yếu tố văn hóa truyền thống lâu đời từng địa phương để đưa vào quy hoạch, kiến trúc phù hợp với khí hậu tự nhiên và loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Việc phát triển các khu vực du lịch nghỉ dưỡng ở khu vực ven biển đã đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách cũng như phát triển kinh tế của các nước. 

Trong khi đó, với các bãi biển đẹp cũng với những khu nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng trong khu vực, Chính phủ Thái Lan đang kỳ vọng sẽ thu hút 35 triệu lượt khách trong năm 2018 so với mức dự báo 34 triệu lượt khách trước đó và doanh thu từ ngành du lịch nước này ước tính sẽ đạt 3.000 tỷ baht (khoảng 93,5 tỷ USD). 

Hồi tháng 5/2018, với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa ngành du lịch trong nước, Chính phủ Cuba đã khởi công xây dựng siêu dự án quần thể nghỉ dưỡng với sân golf lớn nhất đất nước và khu vực Mỹ Latinh tại Punta Colorada thuộc tỉnh miền Tây Pinar del Rio, cách thủ đô La Habana 110 km. Theo Giám đốc công ty Punta Colorada S.A., Jaume Roma, quần thể nghỉ dưỡng với sân golf được xây dựng trên diện tích rộng 700 ha, với 1.250 phòng nghỉ được phân bổ cho ba khách sạn, hơn 1.700 villa, căn hộ và bungalow. 

Ngoài ra, quần thể này còn bao gồm cả một bến cảng với sức chứa 300 du thuyền và hai sân golf 18 lỗ, và điểm đặc biệt là một trong hai sân golf đó sẽ có 1 lỗ trên biển, điều chưa từng có tại các sân golf trên thế giới. Giám đốc của Cubagolf Raudel Garcia cho hay dự án kể trên là lớn nhất trong số 13 dự án phát triển bất động sản nhằm thúc đẩy ngành du lịch của Cuba. Một khi đi vào hoạt động, quần thể du lịch này sẽ giúp tạo ra hơn 3.000 việc làm cho đảo quốc Caribe, cũng như mang tới một tác động xã hội lớn. Du lịch là nguồn thu đứng thứ hai của Cuba, chiếm gần 10% Tổng sản phẩm quốc nội nước này. 

Từ bài học và kinh nghiệm về chính sách quy hoạch đất ven biển ở một số quốc gia kể trên, các nước cần tập trung vào một số nhóm giải pháp gồm nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về tầm quan trọng của quy hoạch đất ven biển gắn với phát triển kinh tế biển và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Sau đó, các nước xây dựng đề án tái cơ cấu ngành kinh tế biển, các cơ chế, chính sách nhằm phát huy quyền chủ động của các ngành, địa phương và vùng lãnh thổ, có sự quản lý tập trung của chính phủ, tạo nên bước đột phá về tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu cả về chiều rộng và chiều sâu. 

Tiếp theo, các nước xây dựng chiến lược thích ứng cho sinh kế ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái, xác định và tiếp cận cho từng lĩnh vực như vận tải biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản…, với sự tham gia của đại diện các cơ quan ở địa phương, chuyên gia, cộng đồng dân cư. Ngoài ra, các nước cũng cần tăng cường đầu tư xây dựng mới và củng cố hệ thống đê biển vững chắc; nâng cấp hệ thống thông tin truyền thông, hệ thống cảnh báo sớm sóng thần và dự báo thời tiết; phát triển hệ thống rừng và rừng ngập mặn, trước mắt triển khai sớm hệ thống đê biển ở vùng thấp và vùng ngập nước. 

Đáng chú ý, một vấn đề không kém phần quan trọng là các nước cần có các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nhân lực về quản lý về quy hoạch đất ven biển và phát triển các ngành kinh tế biển và cộng đồng cư dân ven biển có trình độ chuyên môn tốt, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu quy định về công việc. 

Anh Quân (tổng hợp)/ baotintuc

 
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)