Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Quy hoạch” hàng rong: Xây dựng hình ảnh đẹp cho bộ mặt TP

Tạp Chí Giáo Dục

Do tình trạng tự phát mà hàng rong để lại nhiều hệ lụy về văn minh đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm và cả an ninh trật tự cần phải được chấn chỉnh. Vì thế tại TP.HCM, chính quyền địa phương các phường trên địa bàn Q.1 đang bắt đầu thí điểm “quy hoạch” một khu vực riêng cho những người dân bán hàng rong để từ đó nhân rộng mô hình mới.

Xe tuần hành của UBND P.Bến Nghé cổ động hàng ngày để đảm bảo đường thông hè thoáng

Thử nghiệm ban đầu

Cách đây một tháng, UBND Q.1 đã có chủ trương đưa người bán hàng rong vào một số tuyến phố buôn bán tập trung để siết chặt hơn khâu quản lý. Rõ ràng đây là cách làm tuy chưa thực hiện cụ thể nhưng đã có những tín hiệu tích cực về tình trạng hàng rong bày bán tràn lan trên hè phố như hiện nay.

Không đủ mặt bằng để kinh doanh hàng rong

Ông Mạc Hồng Lĩnh – Phó Chủ tịch UBND P.Bến Nghé trao đổi: Việc triển khai thực hiện mô hình quy hoạch lề đường hộ bán hàng rong cần có sự chung tay đồng bộ giữa các bộ phận. Trong khi mảng kinh tế đô thị rà soát tuyến phố thí điểm thích hợp thì bộ phận văn hóa xã hội lên danh sách các hộ đăng ký kinh doanh. Do có thay đổi về diện tích đoạn đường mở bán hàng rong nên chủ yếu tập trung ở tuyến phố Nguyễn Văn Chiêm – Hai Bà Trưng và hạn chế hơn phía tuyến phố Nguyễn Văn Chiêm – Phạm Ngọc Thạch. Hiện toàn phường có tất cả 110 hộ cận nghèo nên khó khăn là không thể đủ mặt bằng để kinh doanh hàng rong được.

Thực tế đã cho thấy, từ nhiều năm nay với sự nỗ lực tận cùng của nhiều ban ngành, việc dẹp bỏ hàng rong tự phát vẫn là bài toán hóc búa dù có thực hiện mà vẫn thiếu khả thi. Tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa” đã khiến cho chính quyền bất lực đôi khi chỉ biết khoanh tay đứng nhìn. Vì thế chủ trương “quy hoạch” người bán hàng rong vào một vài tuyến phố tập trung ở Q.1 dù chỉ là thí điểm nhưng có thể tạo ra những cú đột phá mới trong thực tế hiện nay. Điều dễ hiểu nhất mà ai cũng biết vì Q.1 là khu vực trung tâm, có nhiều du khách nước ngoài ghé thăm và đang cố gắng phấn đấu đại diện cho bộ mặt chung của toàn TP. Hơn nữa, đây cũng là nơi “đất lành chim đậu” có nhiều người bán hàng rong từ khắp nơi đổ về để buôn bán theo kiểu cơ động gây nên cảnh xô bồ, bát nháo ở nhiều tuyến đường.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Chủ tịch UBND Q.1 cho biết kế hoạch triển khai 3 điểm mua bán hàng rong tập trung bao gồm: lề đường Nguyễn Văn Chiêm đoạn Hai Bà Trưng, lề đường Nguyễn Văn Chiêm đoạn Phạm Ngọc Thạch và một phần Công viên cảng Bạch Đằng. Cũng theo bà Hường, thời gian buôn bán quy định từ 6 đến 8 giờ sáng và từ 11 đến 13 giờ trưa. Theo quan sát của chúng tôi, có thể thấy đây là những đoạn phố hầu như không có hàng rong nào lai vãng tới cho nên việc quy hoạch sẽ dễ hơn so với những tuyến đường khác. Đây cũng là những vị trí trung tâm nhất của P.Bến Nghé thuộc Q.1 chắc hẳn khi “quy hoạch” sẽ có nhiều khách hàng ghé hơn.

Vui mừng xen lẫn lo lắng

Tại Công viên 30-4, hàng ngày có rất nhiều người tụ tập vui chơi cũng sẽ tạo nên một lượng khách không nhỏ khi ghé vào ăn uống trên tuyến phố Nguyễn Văn Chiêm. Điều được dư luận ủng hộ là khi được quy hoạch các gánh hàng rong sẽ được quản lý chặt về giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh được nạn lấn chiếm lòng lề đường nhếch nhác như hiện tại.

Không đóng bất cứ một khoản phí nào

Lề đường tuyến phố Nguyễn Văn Chiêm, Q.1 sẽ là nơi “quy hoạch” bán hàng rong

Ông Lâm Ngô Hoàng Anh – Chánh văn phòng UBND Q.1 cho biết, mục đích mô hình quy hoạch lề đường bán hàng rong không chỉ lập lại trật tự văn minh đô thị mà còn giúp người dân tiếp tục có công ăn việc làm ổn định. Nhiều người lo lắng sợ phải đóng các khoản phí khác nhưng chủ trương của chúng tôi là các hộ sẽ không đóng bất cứ một khoản phí nào khi buôn bán tại các vỉa hè mà quận đã quy hoạch. Còn về thời gian thực hiện và những khó khăn trong quá trình thực hiện vì tất cả chỉ là dự kiến mà chưa có kế hoạch và chưa có chương trình cụ thể gì nên chúng tôi không thể biết trước và chưa có ý kiến gì cả.

Tuy vậy, khó khăn đầu tiên trong việc quy hoạch là những tuyến phố này quá ngắn và chật hẹp. Nếu cộng cả hai lề đường thì cũng chưa quá 500m dài trong lúc đó do số lượng người bán hàng rong quá đông nên sẽ có nhiều hộ kinh doanh khó mà chen chân vào được. Vì thế,  không ít người vừa mừng lại vừa có tâm trạng lo lắng. Chị M. bán hủ tiếu ở đường Huỳnh Thúc Kháng, P.Bến Nghé cho biết: “Dù lề đường nhưng tôi cũng thuê mặt bằng phía trước nhà người ta để đặt một xe hủ tiếu từ 3 năm nay. Ngoài khách vãng lai, tôi còn có khách quen làm ở các công ty, văn phòng gần đây. Nếu quy hoạch đi chỗ khác thì chắc chắn sẽ không còn khách cũ của mình”. Đó cũng là tâm trạng lo lắng của bà V. chủ một xe nước giải khát trên đường Tôn Thất Đạm, P.Bến Nghé khi rục rịch biết thông tin gom hàng rong về một chỗ: “Nhà tôi ở Q.4 sang đây kinh doanh nếu ưu tiên người dân Q.1 thì làm sao tôi có chỗ đăng ký ở các tuyến phố quy hoạch đó”. Theo bà M. nếu bán hàng ăn mất thêm tiền giữ xe và lại đi xa thì không ai ghé vào như trước nữa. Bà V. thắc mắc thêm, thời gian bán chỉ từ 6 đến 8 giờ và 11 đến 13 giờ, vậy nếu muốn ăn ngoài những giờ đó thì tìm ở chỗ nào, đó là chưa kể người kinh doanh phải ngồi buôn bán cả ngày mới đủ trang trải cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường khẳng định, mục đích của kế hoạch là nhằm tổ chức sắp xếp cho người dân có hoàn cảnh khó khăn đang kinh doanh lấn chiếm vỉa hè vào khu vực thí điểm để quản lý hỗ trợ và xây dựng hình ảnh văn minh thương nghiệp. Trong quá trình thí điểm sẽ từng bước khắc phục khó khăn, sau đó nhân rộng mô hình để bằng mọi cách giúp người dân không bị mất công ăn việc làm và có cuộc sống ổn định. Hy vọng rằng với sự nỗ lực đi đầu của chính quyền, sự hợp tác tích cực của các ban ngành và đặc biệt là sự ủng hộ đồng tâm của người dân, các mô hình kinh doanh trên địa bàn Q.1 thời gian tới sẽ xây dựng được những hình ảnh đẹp về bộ mặt kinh tế và văn hóa của một TP lớn để các nơi khác học tập và noi theo.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Bình luận (0)