Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quy hoạch TP.Đà Nẵng hướng đến 7 cực và 2 vành đai phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch TP.Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực…


Quy hoạch Đà Nẵng thành 7 cực, trung tâm và 2 vành đai phát triển KT-XH tầm nhìn 2050

Mục tiêu tổng quát hướng đến xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm KT-XH lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, ĐMST, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp CNC, CNTT, công nghiệp hỗ trợ; một trong những trung tâm VH-TT, GD-ĐT, y tế chất lượng cao, KH-CN phát triển của cả nước; Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực châu Á; Đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; QP-AN và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc…

Hình thành 7 cực, trung tâm phát triển kinh tế – xã hội

Theo quy hoạch, phương án tổ chức hoạt động KT-XH của Đà Nẵng sẽ hình thành 7 cực, trung tâm phát triển, gồm: Trung tâm thành phố; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao; Trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics; Trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics; Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển; Trung tâm dịch vụ đào tạo và nghiên cứu; Trung tâm nông nghiệp ứng dụng CNC và các khu du lịch sinh thái núi.

Trong đó, Trung tâm thành phố bao gồm trung tâm đô thị hiện hữu tập trung chủ yếu tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, nhất là khu trung tâm mới sau khi tái thiết đô thị tại Khu công nghiệp Đà Nẵng; Trung tâm công nghiệp CNC: bao gồm Khu CNC Đà Nẵng, Khu CNTT (giai đoạn 1, giai đoạn 2) trên địa bàn xã Hòa Liên và Hòa Ninh (huyện Hòa Vang).

Đối với Trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics sẽ tập trung phía Tây Bắc Vịnh Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu và Ga Trung tâm logistics đường sắt; khu 12 logistics và ga hàng hóa phía Tây sân bay gắn với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; các khu logistics phía Tây đường tránh Nam Hải Vân tại quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang. Nghiên cứu phát triển thêm một khu vực logistics ở gần Cảng Liên Chiểu để đáp ứng nhu cầu cảng biển trong tương lai.

Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển tại các khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu và trung tâm du lịch vui chơi giải trí phức hợp và kinh tế đêm tại Hải Châu, Thanh Khê; Trung tâm dịch vụ đào tạo và nghiên cứu: tập trung ở phía Đông Nam thành phố với các khu đô thị đại học, Trung tâm ĐMST, Công viên phần mềm cùng với các bệnh viện quốc tế, Khu Liên hợp thể thao; Trung tâm nông nghiệp ứng dụng CNC: phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, dịch vụ logistics nông sản tại khu vực phía Tây Nam huyện Hòa Vang.

Các khu du lịch sinh thái núi gồm: Quần thể Khu đô thị du lịch Bà Nà – Suối Mơ (khu vực chân núi Bà Nà), Khu vực Hồ Đồng Xanh – Đồng Nghệ, Khu du lịch thể thao, nghỉ dưỡng Hồ Hóc Khế, Khu du lịch Khe Răm, Khu du lịch sông Nam, sông Bắc, các khu, cụm du lịch phía Tây Nam dọc tuyến Quốc lộ 14G (Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Khu du lịch suối Hoa…) thuộc huyện Hòa Vang; Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân, Khu du lịch sinh thái suối Lương, các khu du lịch phía Đông, phía Tây Nam tuyến đường đèo Hải Vân, Khu du lịch sinh thái đồi Chim Chim, Khu du lịch phía Tây đường tránh Hải Vân, quận Liên Chiểu; khu vực sinh thái nghỉ dưỡng phía Đông tại bán đảo Sơn Trà và huyện Hoàng Sa.

2 vành đai phát triển kinh tế – xã hội

Quy hoạch TP.Đà Nẵng sẽ hình thành 2 vành đai kinh tế trên cơ sở kết nối 4 cụm việc làm nhằm tạo ra các cơ hội liên kết phát triển kinh tế – xã hội của Đà Nẵng, gồm: Vành đai kinh tế phía Bắc – Vành đai Công nghiệp CNC và Cảng biển – Logistics sẽ kết nối từ Cụm cảng biển và Logistics thuộc quận Liên Chiểu tới cụm công nghiệp CNC thuộc huyện Hòa Vang và Vành đai kinh tế phía Nam – Vành đai ĐMST và Nông nghiệp ứng dụng CNC sẽ kết nối từ Cụm ĐMST thuộc quận Cẩm Lệ, quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang tới cụm nông nghiệp ứng dụng CNC thuộc huyện Hòa Vang.

Đối với lĩnh vực GD-ĐT, quy hoạch hướng đến phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm GD-ĐT chất lượng cao của cả nước và của khu vực ASEAN. Mở rộng mạng lưới, quy mô GD-ĐT theo hướng đa dạng hóa loại hình; đẩy mạnh XHH giáo dục, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ học sinh ngoài công lập đạt: MN khoảng 55%, TH khoảng 3%, THCS khoảng 3,2%, THPT khoảng 14,8%. Thực hiện phân luồng sau THCS, huy động ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề… đảm bảo 100% học sinh hoàn thành chương trình THPT, bổ túc THPT bằng các hình thức đào tạo. Nâng cao chất lượng GD-ĐT, tỉ lệ giáo viên các cấp học có trình độ đạt chuẩn trên 95%. Xây dựng mô hình trường đạt chuẩn theo hướng hiện đại hóa, chuẩn hóa của các cấp học, ngành học. Phối hợp có hiệu quả giữa CSGD nghề nghiệp và DN trong đào tạo nguồn nhân lực.

Cụ thể, quá trình quy hoạch sẽ hướng đến việc hình thành, đưa vào hoạt động các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng CNC tại các xã thuộc huyện Hòa Vang với phân khu Nông nghiệp ứng dụng CNC được xác định tại khu vực phía Tây Nam thành phố, dọc theo tuyền Vành đai phía Tây. Cùng với đó phát triển lâm nghiệp tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Hòa Vang; phát triển lâm nghiệp, trồng cây gỗ lớn và kết hợp phát triển du lịch dưới tán rừng tại khu vực Bà Nà, bán đảo Sơn Trà. Ưu tiên nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật về khoa học công nghệ, khởi nghiệp, ĐMST.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án Khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp; nâng cấp, mở rộng Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng Nam Trung Bộ. Tiếp tục hỗ trợ phát triển các cơ sở ươm tạo, không gian làm việc chung, khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST theo quy định; hình thành các trung tâm khởi nghiệp, ĐMST, khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp, các quỹ đầu tư tại phân khu CNC và phân khu Đổi mới sáng tạo. Hình thành Vành đai kinh tế phía Nam – Vành đai ĐMST và Nông nghiệp ứng dụng CNC, kết nối từ Cụm ĐMST thuộc quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang tới cụm nông nghiệp ứng dụng CNC thuộc huyện Hòa Vang

Vĩnh Yên

 

Bình luận (0)