Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tổ chức các cuộc hội thảo nhằm góp ý cho “Quy hoạch vùng cây ăn trái tập trung ở Nam bộ và đẩy mạnh ứng dụng GAP trong sản xuất”. Hầu hết ý kiến của các chuyên gia cho thấy, điều đáng lo nhất là vấn đề về thị trường tiêu thụ cho trái cây vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để và bài bản ngay từ trong quy hoạch.
Mang lợi thế về nhiều loại trái cây đặc sản nhưng niềm vui vẫn chưa trọn với nhiều nhà vườn các tỉnh Nam bộ.
Với tổng diện tích hơn 416.500 ha, chiếm gần một nửa diện tích cây ăn quả của cả nước, khu vực Nam bộ được xem là vùng đất trù phú, thích hợp với nhiều loại trái cây đặc sản, có giá trị xuất khẩu cao như: Thanh long, măng cụt, sầu riêng… Ngay từ năm 2005, Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đã tiến hành quy hoạch nhằm phát triển cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao. Theo đó, toàn vùng sẽ chọn ra 12 giống cây ăn quả để tổ chức sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của người tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, đến nay việc phát triển sản xuất vẫn còn manh mún, hiệu quả thấp, đặc biệt diện tích nhiều loại cây đạt thấp so với chỉ tiêu quy hoạch như nho chỉ đạt hơn 28%, măng cụt đạt gần 67%…
TS Võ Mai – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết việc lỏng lẻo trong quy hoạch phát triển vùng với tình hình tiêu thụ đang đầy rủi ro ngày càng cao về phía nhà nông và khiến nông dân không hào hứng làm theo. Quy hoạch vùng trái cây tập trung là hợp lý nhưng việc tính toán đến đầu ra cho trái cây vẫn còn bỏ ngỏ là điều đáng lo. Thực tế nếu chỉ quan tâm đến số lượng, sản lượng “hoành tráng” nhưng để nhà nông tự “bơi”, thương lái tự định giá… sẽ dẫn đến việc quy hoạch vùng cây ăn trái khó mang lại yếu tố tích cực. “Lắng nghe các ý kiến, tôi thấy rất lo, khi nhiều đại biểu tỏ ra không quan tâm đến đầu ra của trái cây, chỉ lo chạy theo các con số đầy cảm tính. Khi có quy hoạch rồi, làm thế nào để nhà nông thực hiện theo là điều vẫn chưa được đề cập thấu đáo”, bà Mai nói thêm.
Nhìn ở khía cạnh xa hơn, ông Nguyễn Văn Kỳ – Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả, cho rằng cổ vũ nhà nông trồng theo hướng an toàn, làm gia tăng chi phí nhưng giá bán hiện chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn trái cây thường, không có đơn vị đầu mối hướng dẫn thu mua… làm cho công tác quy hoạch rất dễ bị phá sản. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh đang “đua” xin điều chỉnh theo hướng tăng thêm diện tích trồng trái cây đặc sản của tỉnh mình, nhưng lại thiếu công tác nghiên cứu thị trường, không đề cập đến đầu ra, dự báo cung cầu… “Theo tôi, việc chúng ta cần làm lúc này là quy hoạch phải dựa trên đầu ra ổn định, căn cứ trên nhu cầu tiêu thụ thực tế của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Phải nghiên cứu thị trường một cách bài bản, cẩn thận rồi hãy nghĩ đến việc quy hoạch trồng bao nhiêu cho từng loại cây, địa bàn cụ thể”, ông Kỳ nhấn mạnh.
Được mệnh danh là “thủ phủ” của cây thanh long, diện tích thanh long tại tỉnh Bình Thuận đã vượt qua mong đợi của tỉnh khi đạt tới 17.600 ha. Đây là loại trái cây hiếm hoi đang mang lại hiệu quả kinh tế cao khi vừa có giá trị xuất khẩu, vừa được thị trường trong nước ưa chuộng. Nắm bắt “cơ hội” này, tỉnh đã mạnh dạn xin đăng ký tăng diện tích đến năm 2020 là 20.000 ha! Tương tự các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang… cũng xin điều chỉnh lại vùng quy hoạch trái cây đặc sản của mình theo hướng gia tăng diện tích. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng lưu ý, việc xác định chủng loại cây để phát triển cần tính toán trên cơ sở các tiêu chí như có diện tích lớn, có tiềm năng xuất khẩu và phải gắn với lợi ích của người nông dân. Khi mở rộng diện tích, các tỉnh phải hướng đến quy hoạch vùng, tiến đến phát triển thành vùng nguyên liệu theo sự điều tiết chung của cả nước, tránh trường hợp tự phát, mạnh ai nấy làm…
Ở một diễn biến khác, theo ông Bổng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang kết hợp với Bộ Công Thương tiến hành rà soát lại nhu cầu tiêu thụ và khả năng đáp ứng của từng loại cây đặc sản ở từng địa phương cụ thể. Bộ này cũng đang tổng kết từ thực tiễn phát triển cây ăn quả đặc sản, nhất là những bài học kinh nghiệm, từ đó có biện pháp hạn chế các quy hoạch yếu kém. “Công tác quy hoạch thời gian tới sẽ tập trung nhiều đến chính sách và chiến lược đầu tư cho khoa học kỹ thuật, khuyến nông, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, ngăn chặn dịch bệnh… Việc cần làm ngay lúc này là xúc tiến hình thành đội ngũ những doanh nghiệp trái cây lớn mạnh; tập trung xây dựng, quảng bá thương hiệu trái cây Việt Nam… nỗ lực tạo đầu ra ổn định giúp nhà nông yên tâm sản xuất”, ông Bổng cho hay.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Báo tin tức
Bình luận (0)