Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quỹ học bổng Vừ A Dính đã nuôi dạy 7 năm học cho 1.737 học sinh, sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 26-10, Quỹ học bổng Vừ A Dính (thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình “Dấu ấn 15 năm – Thắp sáng những ước mơ” tổng kết 5 dự án góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho vùng dân tộc và biển đảo.

Toàn cảnh chương trình “Dấu ấn 15 năm – Thắp sáng những ước mơ” tổng kết 5 dự án góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho vùng dân tộc và biển đảo

Theo đó, Quỹ học bổng Vừ A Dính thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, được thành lập vào ngày 5-3-1999 theo đề xuất của Báo Thiếu niên Tiền phong (nay là Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng) với mục tiêu cấp học bổng cho các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số; góp phần vào việc bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo.

Sau 10 năm hoạt động, đến năm 2009, Ban Điều hành quỹ xác định mục tiêu hoạt động cho giai đoạn mới, đầu tư hoạt động theo chiều sâu với nhiều mô hình nhằm góp phần xây dựng, tạo nguồn lực lâu dài, bền vững cho vùng dân tộc và biển đảo, những vùng khó khăn, vùng phên dậu của Tổ quốc.

Cụ thể, bên cạnh việc cấp học bổng thường niên, quỹ triển khai các dự án như “Ươm mầm tương lai”, “Mở đường đến tương lai”, “Chắp cánh ước mơ”, “Thắp sáng tương lai”, “Hỗ trợ sinh viên”. Các dự án được triển khai từ việc làm thí điểm đến nhân ra diện rộng, đối tượng thụ hưởng học bổng của mỗi dự án cũng được quỹ mở rộng từ các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đến vùng biển đảo trong cả nước.

Quỹ học bổng Vừ A Dính cùng các nhà tài trợ giao lưu với các học sinh, sinh viên đã được quỹ hỗ trợ tại chương trình

Các dự án ra đời theo trình tự hợp lý, từ “Ươm mầm tương lai” – “Chắp cánh ước mơ” – “Mở đường đến tương lai” – “Thắp sáng tương lai” và “Hỗ trợ Sinh viên” thành một quy trình đào tạo và giáo dục liên tục 3 cấp học, bắt đầu từ lớp 6 và kết thúc ở bậc đại học – cao đẳng. Qua đó, giúp các em học sinh, sinh viên nơi vùng sâu vùng xa, vùng biên giới và hải đảo có điều kiện tiếp xúc với môi trường học tập tốt, hiện đại; giúp các em phát triển về thể chất, kiến thức, kỹ năng, được đào tạo căn cơ, lâu dài để trở thành những công dân trẻ có học vấn, năng động và là nguồn lực tiềm năng cho các địa phương trong tương lai.

Quỹ học bổng Vừ A Dính cho biết, từ vài trăm suất học bổng ban đầu với đối tượng là học sinh ở các trường dân tộc nội trú, đến nay đã có hơn 130.000 suất học bổng dành cho các em học sinh, sinh viên là con em đồng bào dân tộc, con em của ngư dân và bộ đội đang làm nhiệm vụ ở vùng biển đảo, có tinh thần vượt khó, học giỏi trên cả nước.

Qua 15 năm thực hiện, các dự án đã được đầu tư hơn 470 tỷ đồng để nuôi dạy học 7 năm cho 1.737 em học sinh, sinh viên của 38 dân tộc thuộc 51 tỉnh thành trong cả nước. Trong đó có 1.248 em học sinh sinh viên dân tộc thiểu số của 38 dân tộc thuộc 51 tỉnh thành, 489 em từ các vùng biển đảo. Bên cạnh đó, xây dựng được 20 ngôi trường và điểm trường, 2 công trình nước sạch, 7 con đường đến trường và 40 cây cầu nông thôn mới hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục vùng sâu, vùng xa.

Các dự án đã góp phần tích cực vào sự nghiệp bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho vùng dân tộc, miền núi, hải đảo. Đặc biệt là những dân tộc bản địa ở dọc dãy Trường Sơn còn khó khăn, thấp kém về mọi mặt và vùng hải đảo xa xôi. Mỗi dự án đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong sự nghiệp “trồng người”, sự nghiệp đấu tranh cho bình đẳng giới, góp phần đào tạo một lực lượng công dân trẻ có tri thức và năng lực cho miền núi và hải đảo.

Quỹ học bổng Vừ A Dính cho biết, đối tượng thụ hưởng học bổng của các dự án được chọn lựa theo đúng tiêu chí, quản lý tốt bởi sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa quỹ với đối tác trong việc đảm bảo nguồn chăm lo học bổng cho các em… kịp thời động viên và tháo gỡ những khó khăn của học sinh, sinh viên.

Sau 15 năm “Thắp sáng những ước mơ”, thành quả của 5 dự án góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho vùng dân tộc và biển đảo; thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và miền núi; thực hiện lời Bác dạy: “Phải làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số được hưởng ngày càng đầy đủ hơn những quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hóa”.

Nhật Huy

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)