Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Quý I/2009: Cầu nhiều hơn cung

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 20-3, Trung tâm GTVL TPHCM công bố kết quả phân tích cung – cầu lao động quý I/2009. Bảng phân tích dựa trên tổng số 15.285 lao động tìm việc và 20.882 nhu cầu tuyển dụng của 773 doanh nghiệp theo 13 nhóm ngành nghề.

Kết quả ghi nhận có sự chênh lệch cục bộ  cung – cầu lao động khá rõ nét ở từng nhóm ngành nghề. Theo đó, ở khu vực phi sản xuất, chủ yếu cần lao động có bằng cấp, trình độ chuyên môn. Du lịch, môi trường, nhà hàng  khách sạn có mức cung cao hơn cầu 33,48%; tương tự, nhóm ngành nghề quản lý, quản trị và hành chính văn phòng cung cao hơn cầu 26,04%.
Ở hầu hết các nhóm ngành nghề khác, nhu  cầu của doanh nghiệp đều cao hơn số lao động tìm việc. Ở khu vực phi sản xuất, mức chênh lệch cao nhất giữa cầu và cung lao động rơi vào nhóm ngành nghề marketing, dịch vụ, pháp lý, phục vụ. Tỉ lệ cung vượt cầu là 50,04%. Ngành tài chính, ngân hàng, giáo dục, tỉ lệ này là  37,04%.  Ở khu vực sản xuất, hầu hết các nhóm ngành nghề kỹ thuật đều có tỉ lệ chênh lệch cung – cầu khá cao. Nhóm ngành nghề kiến trúc, thiết kế, in ấn, bao bì, xuất bản là 49,94%;  điện, điện tử, điện công nghiệp, điện lạnh là 37,12%; cơ khí, xây dựng, GTVT, hàng hải là 30,22%. Riêng nhóm ngành nghề  thâm dụng lao động, sử dụng nhiều lao động phổ thông như dệt may, thủ công mỹ nghệ, bảo vệ thì cầu cao hơn cung 49,92%.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm GTVL TPHCM, các thông số trên cho thấy, sản xuất của doanh nghiệp từng bước được hồi phục, kéo theo nhu cầu tuyển dụng tăng trở lại. Trong quý II/2009, dự báo vẫn sẽ biến động lao động mạnh giữa các ngành nghề, với tình trạng thiếu hụt, khó tuyển lao động tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhóm ngành dệt may, giày da, thủ công mỹ nghệ,  bảo vệ và những ngành sử dụng đông lao động phổ thông.

Theo nld

Bình luận (0)