Đầu năm học, câu chuyện thu quỹ đầu năm luôn “nóng” ở các diễn đàn khi phụ huynh “9 người 10 ý”. Vậy nhưng, nói đi phải nói lại, nếu không thu quỹ thì lớp lấy gì hoạt động ở các khoản như photo tài liệu học tập, khen thưởng khích lệ con học tập…
Bộ GD-ĐT quy định rõ các khoản được thu và không được phép thu của ban đại diện cha mẹ học sinh
Thông tư của Bộ GD-ĐT không cấm nhà trường triển khai việc thu quỹ lớp và cũng chỉ rõ các khoản mà ban đại diện cha mẹ học sinh được tổ chức thu trong lớp. Nếu áp dụng đúng thông tư, quy định, việc thu quỹ lớp sẽ hỗ trợ thêm cho học sinh, giúp chăm lo hoạt động giáo dục ở trường được tốt hơn.
Thu, nhưng thu bao nhiêu là phù hợp
Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm khối 1 tại một trường tiểu học ở TP.Thủ Đức, khi ban đại diện cha mẹ học sinh thông báo số tiền quỹ lớp dự kiến thu đầu năm là 300.000 đồng để trang bị 4 chiếc quạt cho lớp, photo tài liệu, khen thưởng học sinh trong suốt năm học thì phụ huynh trong lớp đều thống nhất. Tuy nhiên, trên group lớp, nhiều phụ huynh cho rằng số tiền trên hơi cao, nên chăng giảm xuống còn 200.000 đồng. Đồng thời, tạo bình chọn đóng quỹ lớp 200 hay 300.000 đồng.
“Quỹ lớp dự kiến thu 300.000 đồng nhưng không phải cào bằng, không bắt buộc và hoàn toàn tự nguyện. Nếu phụ huynh nào thấy mức này chưa phù hợp hoặc khó khăn thì có thể không đóng hoặc chỉ đóng 50.000 cũng được. Phụ huynh nào có điều kiện thì hoàn toàn có thể đóng cao hơn… Vì thế, việc tạo bình chọn đóng quỹ lớp thực sự là cũng không cần thiết”, chị Thu Hằng – phụ huynh lớp này thẳng thắn chia sẻ trên group lớp.
Tương tự, tại Trường TH H.H (Q.Bình Thạnh), vấn đề thu quỹ lớp cũng nhận nhiều ý kiến của phụ huynh. Mức thu không phải lớp nào cũng giống nhau mà tùy theo mỗi lớp, mức thu sẽ được ban đại diện cha mẹ học sinh đưa ra khác nhau.
Nhiều năm làm trưởng ban đại diện phụ huynh của lớp, anh Nguyễn Tấn Hùng chia sẻ, việc thu quỹ lớp đầu năm học được ban đại diện cha mẹ học sinh triển khai là hoàn toàn cần thiết. Vì khoản tiền này rõ ràng là được sử dụng chăm lo trực tiếp cho con em mình trong suốt năm học. Ví dụ, trong năm học, nếu các con muốn liên hoan thì số tiền quỹ cũng có thể trích ra tổ chức cho các con để gắn kết trẻ và cả phụ huynh với nhau. Hoặc là, học sinh nào có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn thì quỹ này cũng có thể để chăm lo cho các em, khen thưởng động viên các em… Rất nhiều việc hữu ích và các khoản thu, chi đều được công khai rất rõ ràng, cụ thể.
Dù vậy, theo anh Hùng, chính vì quỹ lớp là để chăm lo, hỗ trợ thêm các hoạt động giáo dục của học sinh nên hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Đôi khi lớp đưa ra một mức thu để phụ huynh dễ dàng dựa vào đó mà đóng song tùy điều kiện từng phụ huynh để đóng phù hợp hoặc có thể không đóng.
Ban đại diện cha mẹ học sinh được thu những khoản nào?
Theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, quy định ban đại diện cha mẹ học sinh trường có nhiệm vụ phối hợp với hiệu trưởng tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học và các hoạt động giáo dục; phối hợp hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương chính sách về giáo dục đối với cha mẹ học sinh nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh; phối hợp với hiệu trưởng giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác; vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục đi học…
Thông tư cũng nêu rõ, kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác. Nguồn kinh phí này sẽ được trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất.
Quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh được thu sẽ để chăm lo trực tiếp cho các hoạt động giáo dục của học sinh
Ngoài ra, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến. Đặc biệt, không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Thông tư cũng quy định rõ các khoản thu mà ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu, bao gồm: các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường…
Cô Đỗ Ngọc Chi – Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) nhìn nhận, Bộ GD-ĐT đã có các quy định rất rõ về việc thu quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường cần quán triệt nghiêm túc về thông tư quy định của bộ để ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, của trường thực hiện đúng. “Nếu vận dụng, thực hiện đúng theo thông tư thì quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ có vai trò hỗ trợ rất lớn cùng với kinh phí của trường để chăm lo thật tốt cho học sinh trong suốt năm học”, cô Chi nhấn mạnh.
Khương Yến
Bình luận (0)