“Thị trường tài chính tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với quy luật thị trường những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gây những ảnh hưởng không nhỏ đến cung cầu, giá cả và nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô cũng như công tác điều hành thị trường”, báo cáo cập nhật tình hình thương mại, dịch vụ của Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra nhận xét.
Dầu thô tăng giá trở lại
Những ngày đầu tháng 10, giá dầu thô thế giới bắt đầu thời kỳ tăng giá mạnh mẽ và liên tục |
Theo báo cáo, giá cả các mặt hàng xăng dầu, phân bón trên thị trường thế giới lên cao đang gây áp lực lên thị trường trong nước, trong khi xi măng có thể sẽ tăng giá trước tác động của tăng cầu tiêu dùng theo quy luật thị trường cuối năm.
Sự mất giá của USD sau thông tin Mỹ sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ và in thêm tiền đưa vào nền kinh tế là nguyên nhân chính khiến giá dầu thô thế giới tăng mạnh. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dầu của khối OECD tăng hơn trước, nhập khẩu dầu của Trung Quốc tăng mạnh và tồn kho dầu của Mỹ giảm như “bồi” thêm tác động.
Bước sang những ngày đầu tháng 10, giá dầu thô thế giới bắt đầu thời kỳ tăng giá mạnh mẽ và liên tục. Từ mức dao động xung quanh 75 USD/thùng trước đó, giá dầu đã đạt đỉnh vào ngày 7/10 với mức 83 USD/thùng, cao nhất trong vòng 5 tháng qua. Trong phần lớn thời gian của tháng 10, giá dầu dao động nhẹ và giữ ở mức cao khoảng 82 USD/thùng.
Nhưng tại thị trường trong nước, giá các mặt hàng xăng dầu tiếp tục giữ nguyên từ lần điều chỉnh trước đó. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có văn bản cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được sử dụng quỹ bình ổn từ ngày 22/10.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu 10 tháng năm 2010 ước đạt 8.234 triệu tấn, trị giá khoảng 5.127 triệu USD, giảm 25,5% về lượng so với cùng kỳ năm trước và đạt xấp xỉ 71% kế hoạch năm 2010.
Cũng liên quan đến cung cầu xăng dầu trên thị trường, vào đầu tháng 10, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thông báo còn tồn 200.000 tấn xăng dầu, trong khi dung tích kho chứa chỉ là 400.000 tấn, nguy cơ nhà máy phải giảm công suất sản xuất.
Tồn kho tăng cao, sắt thép giảm giá
Bước sang tháng 10, thị trường thép thế giới vẫn ảm đạm với chiều hướng giá đi xuống, đặc biệt tại thị trường châu Âu và Mỹ. Mặc dù Trung Quốc ngừng giao dịch théo do bước vào kỳ nghỉ lễ, tồn kho tại khu vực vẫn còn nhiều.
Tương tự, thị trường thép Việt Nam cũng gây thất vọng về cả lượng tiêu thụ và giá. Lượng thép tồn kho ngày càng nhiều do các tàu hàng vẫn cập cảng nhưng thép chưa tiêu thụ được. Giá thép giảm trung bình 300 – 500 đồng/kg so với cuối tháng 9.
Theo báo cáo, tính đến 15/10, giá thép xây dựng nhập từ ASEAN và Trung Quốc chỉ còn 13.200 – 13.500 đồng/kg.
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, sản lượng thép nhập 10 tháng năm 2010 ước đạt 7.120 nghìn tấn, giảm 12,1% về lượng so với cùng kỳ năm 2009.
Xi măng có thể tăng giá vào cuối năm
Theo Tổng công ty Xi măng Việt Nam, tổng sản lượng xi măng sản xuất tháng 10 ước đạt 1,4 triệu tấn, giảm nhẹ so với tháng 9; mức tiêu thụ ước đạt 1,35 triệu tấn, giảm khoảng 12 nghìn tấn so với tháng 9.
Về giá cả, giá bán xi măng tại các đại lý trong cả nước nhìn chung ổn định so với tháng 9. Tại phía Bắc ở mức 920.000 – 1.000.000 đồng/tấn, tại phía Nam giao động tại mức 1.240.000 – 1.340.000 đồng/tấn.
Theo dự báo của Vụ Kinh tế Dịch vụ, trong những tháng cuối năm, giá xi măng có thể tăng nhẹ do các công trình bước vào giai đoạn đẩy mạnh tiến độ, trong khi nguồn cung có thể giảm nhẹ vì tình trạng thiếu than sản xuất.
Giá phân bón đã tăng nhẹ
Do nhu cầu tiêu thụ phân bón gia tăng, trong khi USD mất giá và Trung Quốc – nước xuất khẩu phân bón lớn – giảm sản lượng, giá phân bón trên thị trường thế giới trong tháng 10 tiếp tục tăng so với tháng 9, đặc biệt là phân ure.
Ure giá FOB chào bán tại Yuzhny và Baltic từ 325-340 USD/tấn, tăng từ 50-85 USD/tấn so với cùng kỳ tháng 9; tại Trung Đông từ 320-335 USD/tấn, tăng 35-55 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, mặc dù lượng phân bón tiêu thụ chưa thực sự tăng mạnh, tuy nhiên thị trường phân bón trong nước tháng 10 nhìn chung có biến động tăng giá so với tháng 9. Giá ure 15 ngày đầu tháng 10 tăng khoảng 200-300 đồng/kg so với cùng kỳ tháng 9, mức giá giao động từ 6.500-7200 đồng/kg, có tỉnh giá ure cao ở mức 7.500 đồng/kg.
Trong hai tháng cuối năm, giá phân bón thế giới được dự báo vẫn có khả năng tiếp tục tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ phân bón sẽ tăng mạnh tại cả miền Bắc và miền Nam do bước vào chính vụ Đông Xuân. Vụ Kinh tế Dịch vụ cho rằng, tình hình cung – cầu, giá cả phân bón trong nước cuối năm có thể có diễn biến phức tạp.
Nguồn VNECONOMY
Bình luận (0)