Thị trường đón nhận thông tin Uỷ ban Chứng khoán (UBCK) sẽ cho phép thành lập quỹ mở vào cuối năm nay như một tín hiệu tích cực cho triển vọng thị trường năm sau. Tuy nhiên, các Cty quản lý quỹ (CTQLQ) lại cho biết, chưa chắc họ sẽ cho khai trương quỹ mở trong năm tới.
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc tình hình thị trường – vốn được dự báo sẽ còn khó khăn đến hết năm 2012 – vẫn còn quá bất lợi cho việc lập quỹ mở. Các CTQLQ cho biết, với mô hình đặc thù cho phép nhà đầu tư bán cổ phiếu/chứng chỉ quỹ lại cho chính quỹ, áp lực mua lại CP/chứng chỉ quỹ nếu thành lập quỹ mở trong tương lai gần sẽ là rất lớn.
“Áp lực đó thậm chí có thể khiến nhiều quỹ mất thanh khoản. Với các CTQLQ lớn, nó còn có thể làm tổn hại đến thương hiệu của Cty, mà điều đó là không đáng để mạo hiểm” – GĐ đầu tư một CTQLQ hàng đầu nhận xét.
Tình hình thị trường được đánh giá là bất lợi đến mức, cho dù nhiều CTQLQ lớn đã rốt ráo chuẩn bị cho việc lập quỹ mở suốt hơn một năm nay, đến thời điểm này cũng quyết định tạm hoãn kế hoạch lại cho đến khi thị trường phục hồi “đủ độ”.
Điều nghịch lý là cũng chính nhóm Cty này suốt gần hai năm nay đã nhiều lần tiếp xúc với UBCK để kêu gọi cơ quan quản lý sớm cho phép thành lập quỹ mở, thậm chí xem đó như giải pháp duy nhất để “cứu” ngành quản lý quỹ, nhưng đứng trước triển vọng thị trường ảm đạm cũng phải lựa chọn tiếp tục củng cố hoạt động tại các quỹ đóng hiện tại, thay vì mạo hiểm lập một quỹ mở mới – một loại hình quỹ thực chất đòi hỏi điều kiện thanh khoản thị trường khá cao.
“Vào thời điểm chúng tôi bàn luận về việc thành lập quỹ mở, VN-Index vẫn còn hơn 500 điểm. Chúng tôi cũng không ngờ được chỉ số sẽ xuống đến 380 điểm như bây giờ” – ông Nguyễn Khắc Hải – Phó TGĐ công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) – nói.
Ông Hải cho biết, mặc dù SSIAM chuẩn bị suốt từ năm 2010 các điều kiện từ kỹ thuật và có thể nói là đã sẵn sàng, nhưng kế hoạch cho ra đời quỹ mở cũng được công ty chủ trương chưa triển khai trong năm tới lập quỹ mở trong năm tới, và “có lẽ phải chờ đến khi VN-Index về lại mức 500 điểm”.
Bên cạnh các CTQLQ lớn chủ yếu đang chờ thị trường hồi phục, nhóm các CTQLQ nhỏ thậm chí sẽ phải mất nhiều thời gian hơn thế nữa để thành lập quỹ mở. Quy trình chuẩn bị cho loại hình quỹ này thực chất rất phức tạp, bao gồm hệ thống công nghệ thích hợp để quản lý quy trình mua bán CP/chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư, thiết lập quan hệ với NH giám sát, NH lưu ký, và quan trọng hơn nữa là nắm chắc các quy định pháp lý cho quỹ mở.
Trong khi quy trình này theo đại diện của một vài CTQLQ lớn sẽ phải mất ít nhất một năm, nhiều Cty nhỏ thậm chí chưa nghiên cứu về loại hình quỹ này hay các quy định liên quan của UBCK. Trao đổi với Báo Lao Động, TGĐ một CTQLQ nhỏ cho biết ông thậm chí hơi bất ngờ với thông báo sớm cho phép thành lập quỹ mở của UBCK. Ông cho biết thêm, Cty mình sẽ phải đợi có sự thí điểm của Cty khác trước khi bắt tay vào thực hiện.
Theo đánh giá của người trong ngành, những CTQLQ thuộc các hãng bảo hiểm lớn như Prudential, Manulife hay Bảo Việt sẽ có nhiều tiềm năng nhất để tiên phong lập quỹ mở bởi các quỹ tương hỗ của các hãng bảo hiểm này thực chất có cách vận hành tương đồng nhiều với quỹ mở.
Tuy nhiên, ông Ngô Thế Triệu, GĐ đầu tư của CTQLQ đầu tư Prudential Việt Nam cũng cho biết kế hoạch khai trương quỹ mở của Cty cũng chưa rõ ràng, mặc dù Cty vẫn đang rốt ráo chuẩn bị.
Cũng theo ông Triệu, sẽ có khá nhiều việc phải làm sau khi UBCK chính thức ban hành thông tư cho phép thành lập quỹ mở. Ông Triệu ước tính, sẽ phải mất khoảng 3-6 tháng để có các hướng dẫn cụ thể theo sau thông tư, chưa kể sẽ phải có thời gian để điều chỉnh một vài điểm trong thông tư mà theo ông là “chưa phù hợp 100% với thực tế thị trường”. Bên cạnh đó Cty cũng sẽ phải có giai đoạn quảng bá tới nhà đầu tư về mô hình quỹ vẫn còn khá lạ lẫm này. Và cuối cùng, ông Triệu nói thêm, dẫu sao cũng vẫn phải “đợi cho đến khi thị trường ấm lên” để có thể khởi hành việc gọi vốn cho một quỹ mở.
Quang Minh / Lao Động
Bình luận (0)