Vài năm trước, các chuyên gia và nhà quản lý từng nghĩ tới bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức đề xuất bộ quy tắc xem như giải pháp chống lan truyền các chủ đề thù hận, nói xấu trên mạng.
Bộ quy tắc ứng xử mạng xã hội được đưa ra tại hội thảo “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững”, do Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS), Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT tổ chức. Đây là diễn đàn mở chính thức đầu tiên tại Việt Nam về phát ngôn gây thù ghét có sự tham gia của các nhà quản lý, doanh nghiệp, học giả trong nước và quốc tế.
NẠN NHÂN MẠNG XÃ HỘI
Theo nghiên cứu, Việt Nam có tới hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (MXH), chiếm khoảng 37% dân số và cao hơn mức trung bình toàn cầu. VPIS công bố trong một nghiên cứu, 78% người Việt Nam đều khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên MXH. GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, bên cạnh tác dụng, MXH đang trở thành công cụ miễn phí và vô hình “để tấn công hay trục lợi từ những phát ngôn truyền bá bạo lực và thù hận đối với cá nhân và tổ chức”.
TS Phạm Hải Chung (VPIS) nêu con số hơn 60% người sử dụng MXH từng chứng kiến hoặc là nạn nhân của những phát ngôn nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và tỷ lệ này ở nội dung vu khống, bịa đặt thông tin là hơn 46%. “Ngày xưa chửa hoang phải hàng tháng sau cả làng mới biết, còn bây giờ thì chỉ cần 30 giây là cả thế giới đã biết”, TS Chung nói. Giám đốc trường Báo chí & Truyền thông, ĐH Lund (Thụy Điển), TS Andreas Mattsson cho rằng, thực trạng tin giả và phát ngôn gây thù ghét đang đe dọa sự tự do và an toàn của người dùng internet, trở thành vấn đề toàn cầu. Trong đó, sự kỳ thị giới tính trở nên nghiêm trọng nhất, vì nữ giới thường bị chỉ trích nhiều hơn trên MXH.
“Lăng nhục, thù ghét, ngôn ngữ bạo lực trên mạng trở thành vấn nạn của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Trước kia, chúng ta hay nói là “chơi Facebook”. Giờ đây, tham gia MXH có thể khiến bạn trải qua những chấn động tâm lý, sợ hãi, cuộc sống bị phá huỷ thậm chí nhiều người tìm tới cái chết để chạy trốn sự nhục nhã và những cơn bão căm ghét. Lý do có nhiều trong đó có tâm lý bầy đàn, sự vô cảm được khuyến khích bởi công nghệ, sự tàn nhẫn được sổ lồng bởi sự ẩn danh và qua đó cảm giác có lỗi và trách nhiệm cá nhân bị tê liệt”, TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng nói với Tiền Phong. TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam kể, bạn bè ông nhiều người phải hứng chịu sự lăng mạ trên MXH. “Một người từng lên MXH thóa mạ Chủ tịch Hội và dự án của Hội rất ghê nhưng sau đó anh ta nhận tiền và quay lại khen hết lời”, TS Sơn nói.
CHỈ QUY TẮC CHƯA ĐỦ?
Các nhà nghiên cứu đề xuất một số quy tắc ứng xử đối với MXH tại Việt Nam, dựa trên bộ quy tắc ứng xử của Liên minh châu Âu, Facebook, Microsoft, Twitter và Youtube. Trong tám nội dung đưa ra đối với các công ty cung cấp nền tảng MXH tại Việt Nam đáng chú ý: Các cty công nghệ thông tin (CNTT) sẽ có một quy trình rõ ràng và hiệu quả để xem xét thông báo liên quan đến các thông tin thù hận, nói xấu bất hợp pháp để có thể loại bỏ hoặc vô hiệu hóa nội dung đó. Ngay khi nhận được thông báo loại bỏ, các cty CNTT đối chiếu các quy định và chính sách của MXH và các đạo luật hiện hành của Việt Nam. Các cty CNTT sẽ xem phần lớn các thông báo hợp lệ để loại bỏ các thông tin bất hợp pháp trong 24h và loại bỏ hoặc vô hiệu hóa quyền truy cập vào nội dung nếu cần thiết.
Đánh giá bộ quy tắc ứng xử này là một bước đi trong cuộc đấu tranh chống phát ngôn gây thù hận, tuy nhiên chuyên gia cũng lo ngại nhiều vấn đề cần làm rõ: Các Cty cung cấp dịch vụ có nguồn lực để rà soát hàng chục triệu người dùng mỗi ngày? Liệu bộ công cụ này có bị lạm dụng để hạn chế tự do biểu đạt? Có những chế tài nào để xử lý những người tung tin sai, vu khống, bôi nhọ và dùng ngôn ngữ bạo lực với người khác. “Có lẽ bên cạnh quy tắc ứng xử phải có chế tài. Bởi nhiều thông tin giả tác động kinh khủng tới cá nhân và tổ chức, thậm chí có người không chịu được áp lực đã tự tử. Tôi nghĩ có thể phải bổ sung chế tài xử phạt đó vào luật”, TS Trần Hữu Sơn nêu ý kiến.
“Bộ quy tắc ứng xử sẽ không đem lại kết quả gì nếu số đông trong xã hội không lên tiếng, khước từ bạo lực trên mạng và không chiến thắng được nỗi sợ hãi để giành lại không gian mạng cho mình. Chúng ta xứng đáng được hưởng một không gian mạng văn minh, hòa bình. Chúng ta không thể tiếp tục để ngỏ sân chơi cho những kẻ đầu gấu trên mạng. Giáo dục cần bắt đầu từ rất sớm, dạy cho các em sự tôn trọng sự đa dạng ý kiến và quan điểm của người khác. Mỗi người cần học cách sử dụng MXH một cách có kiến thức chứ không mù quáng”, TS Đặng Hoàng Giang nói.
Với tư cách nhà doanh nghiệp, bà Huỳnh Thị Xuân Liên, Phó Tổng giám đốc Suntory PepsiCo Việt Nam, đưa ra ba đề nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị cung cấp dịch vụ trên MXH. Trước hết là sự phối hợp giữa nhà nước, cộng đồng cũng như doanh nghiệp để nâng cao ý thức cho người tham gia MXH. Cần có hành lang pháp lý để xử lý tin giả và thông tin gây thù ghét. Bà Liên cũng nhấn mạnh các công ty cung cấp dịch vụ MXH cần có trách nhiệm với dịch vụ, nền tảng họ cung cấp để tạo ra môi trường lành mạnh trên MXH.
TS Trần Hữu Sơn cho rằng lớp trẻ hiện nay có xu hướng chung lao vào MXH và phong trào lăng nhục người khác. “Tâm lý đám đông không suy nghĩ trước sau nên họ luôn có cảm giác lên đồng, khó kiềm chế. Càng trẻ càng dễ bị tác động bởi tâm lý đám đông. nhiều người thích nổi tiếng theo cách người đốt đền. Muốn đi tiên phong trong việc ném đá nên họ sử dụng ngôn ngữ khác người, văng tục”, TS Sơn nói.
Nguyên Khánh (TPO)
Bình luận (0)