Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ cần “thổi còi” quyết định không tuyển người tốt nghiệp đại học dân lập của tỉnh Nam Định.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, GS.TSKH Đào Trọng Thi cho biết.
Giờ thực hành của sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội Ảnh: Xuân Phú. |
Nhiều địa phương lúng túng trong việc tuyển dụng, phải chăng qui trình tuyển dụng có vấn đề?
Lúng túng là phải vì cách tuyển chọn của ta hiện nay là không đúng. Nó quá hình thức, quá hời hợt. Và gần như quá trình tuyển chọn ấy rất ít quan tâm tới yếu tố đánh giá năng lực thực sự của người được tuyển chọn. Phải đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ hoặc xem xét theo một quy trình khác. Tôi cho rằng tốt nhất là qua quá trình thử việc một thời gian. Những người đáp ứng công việc sẽ được thi tiếp để thể hiện sự hiểu biết về trách nhiệm của một công chức.
Nếu tình trạng như Nam Định tiếp diễn ở nhiều địa phương, nguy cơ đại học ngoài công lập đóng cửa là rất lớn?
“Không thể nói em sinh viên bất kỳ nào của một trường dân lập lại kém một sinh viên bất kỳ nào của công lập. Và em kém của công lập vẫn được dự tuyển còn em giỏi của dân lập lại bị loại ngay từ ban đầu”.
GS Đào Trọng Thi
|
Các cơ quan có trách nhiệm của nhà nước cần có các giải pháp kịp thời. Trước hết, Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ, hai bộ trực tiếp liên quan đến việc này, cần “thổi còi” ngay. Bởi nếu không làm chắc chắn các trường ngoài công lập sẽ gặp khó khăn mà không phải lỗi tại họ. Còn khó khăn do chất lượng đào tạo kém thì không nói làm gì.
Có thực tế chất lượng các trường ngoài công lập cũng chưa tốt nên mới có định kiến như vậy?
Nói chung là như thế, nhưng đây là chúng ta tuyển chọn con người cụ thể chứ có tuyển trường công lập với trường dân lập đâu. Nếu tuyển chọn để xếp hạng các trường thì lại khác. Không thể nói là em sinh viên bất kỳ nào của một trường dân lập lại kém một em sinh viên bất kỳ nào của công lập. Và em kém của công lập vẫn được dự tuyển còn em giỏi của dân lập lại bị loại ngay từ ban đầu.
Ông nghĩ sao trước thực tế tuyển dụng công chức hiện nay chỉ chú trọng đến bằng cấp mà không quan tâm tới năng lực?
Bằng cấp rất quan trọng nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì quá nông để có thể đánh giá năng lực của một người. Ngoài bằng cấp là điều kiện đầu tiên, cần phải đánh giá thêm rất nhiều thì mới có thể chọn được người thực sự có năng lực. Chắc chắn quy trình tuyển dụng đang có vấn đề. Ngoài đạo đức, phẩm chất chính trị là yếu tố cần, thì chuyên môn và năng lực thực hiện nhiệm vụ phải là tiêu chí hàng đầu để tuyển chọn. Thi công chức ai học thuộc lòng thì sẽ hơn người khác. Đấy là chưa kể những người theo học các lớp bồi dưỡng. Một cuộc thi chung của tất cả những người làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau thì làm sao đánh giá được năng lực?
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình:
Sẽ làm việc cụ thể với tỉnh Nam Định
Tôi mới nghe thông tin trên báo chí, và đang chỉ đạo vụ chuyên môn trong bộ làm việc cụ thể với địa phương để xem bản chất sự việc thế nào. Hiện nay Bộ chưa nhận được văn bản chính thức của tỉnh Nam Định gửi lên. Trong thực tế chưa có báo cáo nào tổng kết hiệu quả công việc của cán bộ công chức tốt nghiệp đại học chính quy và đại học tại chức, dân lập khác nhau như thế nào. Trước đây, tôi công tác ở địa phương cũng có nhiều cán bộ tốt nghiệp đại học dân lập, tại chức và họ đã hoàn thành công việc.
Theo Tien Phong
Bình luận (0)