Quyền chuyển đối giới tính được Quốc hội thông qua là niềm vui cho những người chuyển giới. Tuy nhiên, để quy định này đi vào cuộc sống vẫn còn một chặng đường dài với hàng loạt vấn đề cần được giải quyết.
Quyền CĐGT đã được Quốc hội thông qua (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Khao khát được thừa nhận
Bộ luật Dân sự 2015 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2017. Theo đó, quyền chuyển đổi giới tính (CĐGT) cũng sẽ chính thức có hiệu lực. Quy định này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân trong xã hội là phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống của dân tộc.
Sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, Trần Thanh P. có một cuộc sống không bình yên khi thiếu sự chia sẻ, đồng cảm từ gia đình và bị bạn bè xa lánh. Mang trong mình hình hài con gái nhưng ngay từ nhỏ, P. đã thích mặc đồ, chơi những trò chơi của con trai. Lớn lên, mặc cho những người xung quanh dị nghị, P. vẫn không thay đổi sở thích, thói quen của mình. Giờ đây, P. đã là một nhân viên thiết kế, công việc ổn định nhưng cuộc sống tinh thần luôn bị áp lực từ nhiều phía. Trong một buổi giao lưu chuyên đề về gia đình tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM, P. kể trong nước mắt: “Tôi đã để dành được một khoản tiền, tôi muốn mình sẽ âm thầm ra nước ngoài thực hiện CĐGT để được sống đúng với con người mình. Tôi biết sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn phía trước”. Trong khi đó, Hàn Xuân K. – một người chuyển giới đã 3 năm cũng vẫn phải sống trong mặc cảm, tự ti vì bị mọi người xung quanh dòm ngó, dị nghị. K. gặp không ít khó khăn trong cuộc sống hàng ngày cũng chỉ vì việc CĐGT của mình. Do đó, quyền CĐGT được Quốc hội thông qua là một tin vui cho những người đồng cảnh ngộ như P. và K.
Một thực tế cho thấy người trước khi chuyển giới đã có cuộc sống khó khăn về mặt tinh thần. Cuộc sống của một số người sau khi chuyển giới cũng không mấy bình yên. Họ gặp khó khăn trong việc làm, y tế, an sinh xã hội. Đau xót hơn khi họ bị chính gia đình và xã hội kỳ thị, các cơ chế hỗ trợ, nhất là hỗ trợ pháp lý cũng chưa thực sự hợp lý. Bên cạnh đó, một số trường hợp người chuyển giới bị xâm hại nhưng không hoặc chưa được bảo vệ một cách thích đáng. Điều này xuất phát từ việc không công nhận chuyển giới.
Việc CĐGT được quy định tại điều 37 của bộ luật: “Việc CĐGT được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã CĐGT có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan”. |
Theo luật sư Nguyễn Tuyết Mai (Đoàn luật sư TP.HCM), “việc Quốc hội thông qua điều luật thừa nhận việc CĐGT trong Bộ luật Dân sự là một bước tiến đầy ý nghĩa trong cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, thực hiện bảo vệ quyền con người, quyền công dân đối những người CĐGT”.
Cần hành lang pháp lý rõ ràng
Ngay sau khi quy định về quyền CĐGT được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2015, một nhóm các bạn trẻ tại Hà Nội thuộc cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) bày tỏ vui mừng trước nhà Quốc hội. Tuy vậy, sau niềm vui đó, không ít người chuyển giới và có nhu cầu được CĐGT tỏ ra lo ngại, băn khoăn khi luật được thực thi. Để những quy định cụ thể về quyền CĐGT được đi vào đời sống một cách phù hợp và hiệu quả xem ra cũng còn lắm gian nan.
Hiện nay, chi phí phẫu thuật CĐGT ở các bệnh viện uy tín trên thế giới rất cao. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để phẫu thuật chuyển giới từ nữ sang nam tốn khoảng 30.000 USD, từ nam sang nữ khoảng 35.000 USD. Ngoài ra, những chi phí phát sinh cho các dịch vụ khác như thay đổi giọng nói, liệu pháp hormone, phẫu thuật thẩm mỹ… cũng mất một số tiền không nhỏ. Thực tế cho thấy nhiều bệnh viện ở Việt Nam có thể thực hiện được các ca phẫu thuật CĐGT. Nhiều người chuyển giới không muốn đến bệnh viện vì sợ bị dòm ngó nên đành “liều mạng” khi uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc theo sự hướng dẫn của người đã chuyển giới hoặc thực hiện ở các phòng khám “chui” nên dẫn đến hậu quả khó lường. Do đó, khi luật thông qua sẽ có các cơ quan y tế làm về tâm lý, tư vấn sức khỏe cho người chuyển giới. Họ sẽ được khám, chẩn đoán, kê đơn thuốc một cách công khai.
Theo Hàn Xuân K. – một người chuyển giới ở TP.HCM chia sẻ: “Việc thông qua này mới chỉ là bước khởi đầu. Người chuyển giới còn rất quan tâm các vấn đề như khám sức khỏe, tâm lý ở đâu hay những người không muốn CĐGT có được thay đổi giấy tờ tùy thân hay không…”.
“Để quy định của Bộ luật Dân sự sớm đi vào cuộc sống, Nhà nước cần nhanh chóng ban hành luật riêng về CĐGT, cần có hành lang pháp lý rõ ràng. Điều này sẽ tránh việc các cơ sở y tế thực hiện dịch vụ chuyển giới “chui”. Hơn nữa, nếu không có sự quản lý chặt chẽ, những đối tượng tội phạm nguy hiểm trốn truy nã cũng có thể lợi dụng việc này để thay đổi ngoại hình”, luật sư Nguyễn Tuyết Mai cho biết.
Ngoài ra, nhiều vấn đề liên quan đến “hậu chuyển giới” cũng là nỗi băn khoăn của nhiều người hiện nay. Có lẽ, để những quy định của quyền CĐGT đi vào cuộc sống không thể một sớm, một chiều là làm được ngay…
Yên Hà
Bình luận (0)