Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quyền lợi người lao động khi thay đổi nơi làm việc

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Ngô Đức Liêm là giám đốc 1 xí nghiệp tại Công ty cổ phần, hưởng lương hệ số 4,66, phụ cấp chức vụ 0,5 và tham gia bảo hiểm xã hội 32 năm. Nay, ông Liêm xin chuyển công tác sang Công ty TNHH một thành viên Nhà nước thì các quyền lợi của ông được giải quyết như thế nào, chế độ nghỉ hưu ra sao?
 

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của ông Liêm như sau:

 

Về việc xếp lương

Theo khoản 1, Điều 4, Thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14/9/2010  của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền lương trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu (Công ty TNHH một thành viên nhà nước) thì Công ty được tiếp tục áp dụng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong công ty nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện để xếp lương đối với người lao động cho đến khi Chính phủ có quy định mới. Khuyến khích công ty sử dụng những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, người giỏi, người có tài năng và có chế độ xếp lương thỏa đáng đối với số lao động này.

Việc xếp lương đối với Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên trong Công ty TNHH một thành viên nhà nước được quy định tại Điều 11, Thông tư này như sau:

Công ty tiếp tục áp dụng các bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện để xếp lương đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên chuyên trách, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc và Kế toán trưởng cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

Đối với chức danh thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên chuyên trách thì chuyển xếp lương như sau:
– Chủ tịch Hội đồng thành viên chuyên trách, Chủ tịch công ty chuyên trách xếp lương theo chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị; Thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên xếp lương theo chức danh thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị của bảng lương thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị theo hạng công ty;

– Kiểm soát viên chuyên trách xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng phụ cấp giữ chức vụ tương đương Trưởng phòng. Trường hợp trước khi được bổ nhiệm làm Kiểm soát viên chuyên trách đang xếp lương theo Bảng lương của thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị hoặc Bảng lương của Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và sau khi chuyển xếp lương mà hệ số lương mới (hệ số lương chuyên môn, cộng phụ cấp chức vụ tương đương Trưởng phòng) thấp hơn hệ số lương cũ thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương cũ cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
 
Trường hợp ông Ngô Đức Liêm hiện đang là giám đốc xí nghiệp tại một Công ty Cổ phần, có nguồn gốc là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Công ty này vẫn đang thực hiện chế độ tiền lương theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP. Hệ số lương 4,66 ông Liêm đang hưởng là bậc 3/6 ngạch chuyên viên chính theo Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ở Công ty nhà nước; mức phụ cấp 0,5 ông Liêm đang hưởng là phụ cấp chức vụ trưởng phòng Công ty loại I theo Bảng phụ cấp giữ chức vụ trưởng phòng, phó phòng ở Công ty nhà nước (Ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ).

Nếu ông Liêm được Công ty TNHH một thành viên nhà nước tiếp nhận, bố trí công việc tương đương như công việc ông đã làm ở công ty cũ, thì về nguyên tắc sẽ được công ty xếp lương và phụ cấp đúng như ở công ty cũ.

Trường hợp ông được tiếp nhận vào các chức danh: Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên trong Công ty TNHH một thành viên nhà nước thì việc xếp lương được thực hiện theo quy định tại Điều 11, Thông tư 27/2010/TT-BLĐTBXH nêu trên.

Về quyền lợi khi nghỉ hưu

Về việc ông Liêm hỏi, ông đã có 32 năm đóng bảo hiểm xã hội, khi nghỉ hưu được hưởng chế độ như thế nào? Do ông không nêu rõ tuổi đời và tình trạng sức khỏe, khả năng lao động của ông hiện nay, nên ông Liêm cần đối chiếu các quy định sau đây để biết quyền lợi của mình:

Theo quy định tại Điều 52, Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 12/7/2006 thì mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. Cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 1%.

Do ông Liêm đã có trên 30 năm đóng bảo hiểm xã hội nên ông còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 54, Luật này. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội kể từ năm thứ 31 trở đi. Cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội

 Theo Luật sư Trần Văn Toàn

(Chinhphu.vn)

Bình luận (0)