Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quyền lực học thuật phải là linh hồn tự chủ đại học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo nhiều ý kiến từ giới ĐH, tự chủ học thuật chưa được thúc đẩy như mong muốn. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng phải làm sao để quyền lực học thuật phải là linh hồn quyền tự chủ của ĐH.

 

Các trường có thực sự được tự chủ tuyển sinh?

Tự chủ chưa đồng bộ

Học viện Ngân hàng là một cơ sở đào tạo ĐH có cơ quan chủ quản là Ngân hàng Nhà nước. Đơn vị này đang tiến tới mục tiêu tự chủ ĐH, trong đó đặc biệt quan tâm tới tự chủ học thuật. Vì thế, học viện luôn chủ động tạo điều kiện “tự chủ” cho cán bộ, giảng viên (GV) nghiên cứu khoa học trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật của nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đơn vị này đã gặp không ít khó khăn do sự thiếu đồng bộ của hệ thống văn bản pháp lý.

Trong báo cáo gửi Bộ GD-ĐT về chuyên đề tự chủ ĐH, PGS Đỗ Thị Kim Hảo, Phó hiệu trưởng phụ trách Học viện Ngân hàng, cho biết nhiều quy định hiện nay của Chính phủ đã góp phần thúc đẩy quá trình tự chủ tại các tổ chức khoa học và công nghệ (KH-CN) về tài chính cũng như là việc thực hiện nhiệm vụ khoa học. Tuy nhiên, các quy định về tự chủ hiện vẫn dựa nhiều vào tự chủ tài chính chứ chưa hoàn toàn tự chủ về mặt KH-CN.

Cụ thể, Nghị định 115/2005/NĐ-CP đưa ra quy định tổ chức KH-CN xác định nhiệm vụ KH-CN dựa trên định hướng ưu tiên phát triển KH-CN của nhà nước, nhu cầu của xã hội, nhu cầu của doanh nghiệp. Nhưng Nghị định 115 cũng nêu rõ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH-CN của nhà nước do các cơ quan nhà nước giao, đặt hàng trực tiếp hoặc thông qua tuyển chọn, đấu thầu và được cấp theo phương thức khoán. Điều đó phần nào dẫn tới sự phụ thuộc và bị động trong việc thực hiện nghiên cứu khoa học của các tổ chức KH-CN.

Quyền lực học thuật phải là linh hồn tự chủ đại học - ảnh 1

Các nhà khoa học ở Viện Công nghệ môi trường, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trao đổi về một kết quả nghiên cứu. MAI CHI

Mặt khác, Nghị định 43/2006/NĐ-CP đã cho phép các trường ĐH được tự chủ về nguồn tài chính, tuy nhiên, những khoản chi cho KH-CN, chương trình mục tiêu quốc gia cần phải xin phép phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Như vậy thực chất, các trường ĐH chưa được giao quyền tự chủ một cách đầy đủ về KH-CN. Việc này có thể dẫn đến hệ lụy chuyển dịch hướng nghiên cứu khoa học của các trường ĐH theo hướng giảm dần nghiên cứu cơ bản, tăng nghiên cứu ứng dụng.

“Có thể thấy hiện nay chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý về phát triển hoạt động KH-CN trong bối cảnh tự chủ tại các trường ĐH. Hoạt động này vẫn đang chịu sự điều chỉnh của luật Giáo dục ĐH số 34/2018/QH về tự chủ ĐH và bị ảnh hưởng bởi các quy định về kinh phí khi thực hiện hoạt động KH-CN bằng các nguồn vốn ngân sách”, PGS Hảo chia sẻ.

GS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường (HĐT) Trường ĐH Cần Thơ, cũng cho rằng một số văn bản pháp luật hiện hành còn có nhiều ràng buộc, tạo ra những hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học của các đơn vị. Chẳng hạn, Thông tư số 55/2016/TTLT-BTC-BKHCN có đưa ra những yêu cầu gây khó như quy định về mức trần số ngày công khó thực hiện đối với nhiệm vụ có kinh phí lớn; thù lao chuyên môn định mức thấp không phù hợp, ảnh hưởng đến chất lượng trong các thẩm định, nhận xét đánh giá; quản lý phí thấp và thủ tục vẫn còn rườm rà, phức tạp chưa thực sự cải tiến trong công tác quản lý hành chính. Hoặc Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC đưa ra những yêu cầu về chứng từ thanh toán có tính hình thức, thiếu thực chất, thay kết quả nghiệm thu là chứng từ thanh toán, như thông lệ quốc tế.

“Cần giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở, tăng cường quản lý và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ KH-CN tại các cơ sở; không phải thẩm định cấp bộ cho vòng đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học, tập trung cho việc thẩm định thuyết minh đề tài trên cơ sở số nhiệm vụ được phân, giao và hướng đến giao cho cơ sở tuyển chọn toàn diện”, GS Nguyễn Thanh Phương đề xuất.

Hội đồng giáo sư phải có tiếng nói quyết định ở ĐH

PGS Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường ĐH CMC, cũng góp ý dựa trên trải nghiệm sâu sắc nền GD ĐH của ông, trong đó nhấn mạnh vai trò của các nhà chuyên môn trong trường ĐH (PGS Bình từng là GS ĐH Hosei, GS – Phó hiệu trưởng Học viện Máy tính Kyoto, đều ở Nhật Bản, giai đoạn 2006 – 2021).

PGS Bình cho biết ở ĐH của Nhật, mọi hoạt động trong trường đều phải thông qua Hội đồng (HĐ) giáo sư (GS). HĐ GS quyết định những vấn đề về tuyển sinh, những vấn đề về chỉ tiêu, về học thuật. HĐ GS vừa xem xét chương trình đào tạo, vừa xem xét vấn đề đánh giá và tuyển dụng GV.

“Các GS rất bận, nhưng vẫn dành thời gian thông qua từng trường hợp sinh viên đỗ vào trường. Hoặc khi tuyển người về, bộ phận hành chính gửi lý lịch cho từng thành viên trong HĐ GS đánh giá, sau đó HĐ GS họp để lấy ý kiến. Lấy ý kiến cũng thực chất. Ai phản đối thì có ý kiến, và phải giải thích vì sao (chứ không làm một cách hình thức như ở ta là bỏ phiếu). Đến khi không có ý kiến phản đối nữa thì HĐ GS mới thông qua. HĐ GS ra nghị quyết, chủ tịch HĐ GS ký luôn ngay tại chỗ. Từ sau cuộc họp là nhà khoa học A đã thành GS của trường, chứ không có yêu cầu phải giảng thử, hay phải thử thách…”, PGS Bình cho biết.

PGS Bình cũng so sánh: “Chúng ta thiếu một HĐ GS để giúp trường xem xét, kiểm soát vấn đề chất lượng đào tạo của trường. Chúng ta chỉ có HĐ khoa học đào tạo, HĐ này xuân thu nhị kỳ mỗi năm chỉ họp một lần, tư vấn cho hiệu trưởng hoặc trưởng khoa về vấn đề đào tạo, học thuật chung chung. Khi nào họp, cần thông qua thì thông qua, một cách hình thức, chứ bản chất bên trong là không thực quyền. Thường thì chỉ mấy ông ban giám hiệu cùng vài ông trưởng phó phòng ngồi với nhau, rồi trình lên Đảng ủy thêm mấy người nữa, là sau đó ra nghị quyết. Người thầy không biết chúng ta sẽ tuyển sinh bao nhiêu. Có lẽ đây là cái chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta cứ làm đâu đâu, trong khi những nước họ làm tốt rồi thì không học hỏi, suy nghĩ từ họ, nên cứ loay hoay bao lâu nay”.

Chuyển giao quyền lực về chất

Kết luận về hội nghị tự chủ ĐH mà Bộ GD-ĐT mới tổ chức gần đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh cần phải hiểu tự chủ ĐH hiện nay là sự chuyển hóa quyền lực chứ không phải là trao quyền từ cấp trên xuống cho ĐH. Tự chủ ĐH là sự khẳng định, công nhận cho một loại quyền mới, khác về chất với quyền quản lý nhà nước vốn từ các bộ, ngành. Quyền lực ấy là tự thân của ĐH, quyền lực ấy lấy quyền lực của chuyên môn, lấy tiếng nói của khoa học, làm linh hồn quyền tự chủ của ĐH, và đấy là quyền của học thuật. Nếu như trước đây, ĐH hoạt động theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước, thì giờ chuyển sang ĐH vận hành theo nguyên lý mà ở đó có sự dẫn dắt của khoa học, sự quyết định của các nhà chuyên môn, và đấy là giá đỡ của đổi mới, sáng tạo.

Bộ trưởng Sơn phân tích: “Trước đây, quyền do bộ chủ quản áp dụng theo hình thức mệnh lệnh hành chính thì bây giờ quyền kiểm soát ĐH phải theo chiều hướng ngược lại, phải kiến tạo và xây dựng quyền kiểm soát và dẫn dắt một trường ĐH phải từ dưới lên, phải từ nhu cầu của học thuật, phải từ tiếng nói quyền uy của các nhà khoa học để ngược trở lên kiến tạo “luật chơi” riêng của từng trường, để quyết định chiến lược, hướng đi của đơn vị ấy. Khi nào tiếng nói chuyên môn trở thành tiếng nói quyền uy có sức mạnh nhất thì lúc đó tự chủ ĐH mới đi vào đúng chiều sâu, bản chất nhất. Đừng để tự chủ ĐH là sự loay hoay giao nhau các quyền của hành chính, xem là quyền ở ông này hay ông kia, ở phía trên hay phía dưới. Như vậy, hệ thống văn bản bên trong của một cơ sở ĐH tự chủ phải được rà soát, để quyền lực học thuật được thể hiện”. (còn tiếp)

Giảng viên cần được tham gia sâu hơn vào mọi mặt hoạt động

GS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch HĐT Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng với tự chủ ĐH, về mặt lý thuyết, GV cần được tham gia sâu hơn vào mọi mặt hoạt động của cơ sở GD ĐH. Theo luật GD ĐH sửa đổi (luật 34), GV là một thành phần quan trọng của HĐT nhưng thực tế với nhiều lý do khác nhau nhiều trường lựa chọn các trưởng đơn vị chứ không phải là GV không kiêm nhiệm vị trí quản lý trong bộ máy hành chính. Như vậy, tính đại diện của GV, nhà khoa học trong HĐT là chưa rõ nét. Hơn nữa, vai trò của GV chỉ thực sự có ý nghĩa khi họ thực sự được tham gia vào cả quá trình xây dựng, hoàn thiện, sửa đổi các quy chế, quy định của cơ sở GD ĐH.

Theo Quý Hiên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)