Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quyết định khi chọn ngành nghề

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trước hết hãy nói về niềm đam mê cá nhân. Mỗi người sẽ có những đam mê, sở thích khác nhau, trong việc chọn ngành nghề cũng vậy. Ai cũng hiểu rằng, một khi anh đam mê một cái gì đó thì anh sẽ kiên trì theo đuổi, sống chết với niềm đam mê. Điều này đối với ngành nghề sẽ chọn lại vô cùng cần thiết. Bởi, chỉ có tình yêu nghề, niềm đam mê cao độ mới quyết định sự thành bại trong tương lai sự nghiệp. Nếu thành công thì niềm hạnh phúc sẽ vô cùng lớn, nếu lỡ như thất bại thì anh biết chấp nhận, đứng dậy, vượt qua để đi tiếp. Như vậy, rõ ràng, chính tình cảm đối với nghề nghiệp sẽ giúp bản thân mỗi người có bền chí theo đuổi nghề đến cùng hay “gãy gánh giữa đường”, bởi thực tế khi đi làm sẽ muôn vàn khó khăn trở ngại, gian nan thử thách, những muộn phiền. Nếu không có niềm đam mê mãnh liệt, chúng ta dễ dàng bỏ cuộc, hoặc rơi vào trạng thái “đứng núi này trông núi nọ”.
Thứ hai là năng lực bản thân. Yếu tố này được xem là quan trọng nhất. Có thí sinh dự thi cả chục năm vẫn không trúng tuyển vào khoa ngành, trường nào cả. Hỏi ra mới biết, sức học chỉ vào loại trung bình nhưng đăng kí dự thi toàn những trường đại học có tỉ lệ chọi cao. Hoặc như sức khỏe không tốt lại thích thi vào những trường, ngành đòi hỏi cao về sức khỏe thì chắc chắn mãi mãi vẫn là sĩ tử, hoặc có trúng tuyển thì sau này khó đáp ứng được yêu cầu công việc. Cũng có không ít bạn trẻ chọn nhầm khối thi, chọn theo phong trào chứ không phải theo sở trường, năng lực vốn có của bản thân, ví dụ thấy bạn bè ào ào thi vào khối A mình cũng “ăn theo” nhưng điểm số toán, lý, hóa thấp lè tè, trong khi khả năng văn, sử, địa khá hơn lại không chọn khối C… Ngay cả trong cùng khối thi, ngành học thì việc cân nhắc, so sánh các trường khác nhau để chọn thi ở trường nào có khả năng trúng tuyển cao hơn (cùng chương trình đào tạo) để thi cũng là sự lựa chọn cần thiết. Do vậy, việc lượng sức (cả sức học, sức khỏe, khả năng đáp ứng công việc sau này, …) khi chọn trường thi, khối thi, ngành học là hết sức quan trọng. Năng lực bản thân sẽ quyết định có thi đậu hay không. Chúng ta phải nhận thức đầy đủ rằng: vào đại học không phải là con đường duy nhất để đi đến thành công. Hơn nữa, hiện nay, việc đào tạo liên thông các bậc ĐH, CĐ, TCCN rất thuận tiện cho những ai có ý chí muốn nâng cao trình độ. Chính vì vậy, nếu khả năng còn hạn chế, thay vì “đi tắt” tiến thẳng vào đại học, ta hãy khôn ngoan chọn cách “đi vòng” bằng cách thi vào TCCN hoặc CĐ, sau khi hoàn tất chương trình sẽ học nâng cao sau. Quan trọng là đúng khả năng của chính mình. Điều này, không ai có thể tư vấn hiệu quả hơn chính bản thân mình đánh giá sức học của mình.
Yếu tố thứ ba là điều kiện gia đình. Đó là hoàn cảnh kinh tế, là lí lịch gia đình, là những yếu tố khác chi phối việc đảm bảo khả năng học tập, làm việc của bản thân. Ví dụ, bản thân đam mê ngành công an và quân sự nhưng lí lịch gia đình không đảm bảo tiêu chuẩn thì cần chọn những ngành nghề khác. Hay như đam mê làm bác sĩ nhưng hoàn cảnh quá ngặt nghèo về kinh tế, bố mẹ già yếu bệnh tật ở quê nhà không ai chăm sóc… thì chi phí và thời gian 6 năm học đại học y khoa sẽ gặp nhiều khó khăn. Dĩ nhiên, hoàn cảnh kinh tế gia đình sẽ không phải là vấn đề không lối thoát nếu bản thân có chí vượt khó, chịu làm thêm, biết cách sắp xếp để vừa học vừa làm, vừa chăm sóc gia đình thì “không có việc gì khó…”.
Sau cùng là nhu cầu xã hội. Khả năng dự báo nhu cầu lao động trí tuệ của xã hội ngày nay khá đầy đủ và chính xác. Khi chọn ngành nghề, cần tham khảo các thông tin về nhu cầu xã hội được dự báo trong vài năm tới. Hiện nay, tỉ lệ thất nghiệp sau khi tốt nghiệp (và cả làm việc không đúng chuyên môn đào tạo, phải đào tạo lại) rất cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, song nguyên nhân được nói đến nhiều nhất là không đáp ứng nhu cầu xã hội. Đương nhiên, khả năng làm việc, chất lượng con người vẫn là yếu tố quyết định có xin được việc làm hay không, và khi đã xin được việc rồi thì khả năng bám trụ với công việc bao lâu thuộc về kĩ năng thực hành công việc. Những kĩ năng ấy không chỉ có ở bài học trên lớp mà phải rèn luyện thông qua hoạt động thực tiễn, mà bắt đầu từ những hoạt động phong trào, công tác xã hội…
Một điều cần khẳng định lại rằng, bốn yếu tố trên phải được đặt ra song song, có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau và phải được suy nghĩ nghiêm túc, trách nhiệm khi quyết định chọn ngành nghề, trường thi, khối thi. Mọi sự định hướng của thầy cô, gia đình, xã hội là thông tin tham khảo cần thiết đối với mỗi học sinh khi tìm hướng đi nhưng khi quyết định phải tự thân mình suy xét, đánh giá đầy đủ, đúng đắn bốn yếu tố này để lựa chọn không sai lầm. Chọn ngành nghề là chuyện hệ trọng của đời người, bản thân mình phải quyết định công việc trong tương lai của mình và chịu trách nhiệm với bản thân về sự lựa chọn đó.
Chúc các bạn thí sinh sáng suốt khi quyết định làm hồ sơ đăng kí dự thi. Sự nghiêm túc, trách nhiệm, bản lĩnh, tự tin và bền chí sẽ làm nên thành công cho tương lai của các bạn. Chúc các bạn thực hiện được ước mơ cháy bỏng của mình.
NGUYỄN VĂN CẢI
(GV Trường THPT Quang Trung, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)