Một trong những điều được đề nghị sửa đổi trong Luật Giáo dục lần này là việc giao quyền quyết định thành lập trường ĐH cho Bộ GD-ĐT. Theo chúng tôi, điều đó là cần thiết.
Cũng có nhiều ý kiến không tán thành với sửa đổi này, trong đó có cả ý kiến của nhiều thành viên Ủy ban Văn hóa – giáo dục – thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng tình trạng phát triển ồ ạt các trường ĐH không hội đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng trong thời gian qua đã làm dư luận xã hội rất lo ngại; nếu tập trung cả trách nhiệm thẩm định và thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường ĐH cho Bộ GD-ĐT thì e rằng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này. Nhưng cũng cần nhìn thấy rằng, nếu cứ giữ nguyên quy định như cũ (Thủ tướng ký quyết định thành lập trường ĐH) thì sẽ tiếp tục không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Bằng chứng là trong 10 năm (1998 – 2008), cả nước đã có tới 228 trường ĐH, CĐ được thành lập và nâng cấp, trong đó riêng ĐH có tới 23 trường được thành lập mới và 55 trường được nâng cấp từ CĐ lên ĐH (tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm trước đó), đi kèm với nó là thực trạng không thực hiện được các điều kiện để đảm bảo chất lượng, đặc biệt là về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Ví dụ trong vòng 10 năm qua, số giảng viên (GV) chỉ tăng 2.602 người nhưng số sinh viên (SV) thì tăng đến hơn 884.000 người. Vì thế mà các điều kiện đảm bảo chất lượng giảng dạy như số GV trên số SV bị… thụt lùi . Năm 1998 có 1 GV/25,6 SV nhưng đến năm 2008, tỷ lệ này là 1/28,5. Việc chạy theo số lượng chưa quan tâm đến chất lượng đã gây ra một loạt những bất cập như việc báo cáo số lượng GV khống, chương trình đào tạo sơ sài, cơ sở vật chất thiếu thốn…
Kết luận về việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 2 của Bộ Chính trị (tháng 4.2009) cũng khẳng định: 5 năm gần đây, việc cho phép thành lập mới các trường ĐH, CĐ có phần dễ dãi, trong khi các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giảng viên không đảm bảo, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp.
Điều đó cũng cho thấy trong suốt thời gian qua, việc thẩm định các điều kiện thành lập trường ĐH, CĐ là có vấn đề, nhưng dường như các cơ quan và cá nhân có liên quan lại không phải chịu trách nhiệm gì.
Giao cho Bộ GD-ĐT quyết định và chịu trách nhiệm thành lập trường ĐH là điều nên làm. Khi đó, Chính phủ sẽ "rảnh tay" hơn để tập trung vào việc xây dựng hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật và nghiêm khắc chế tài những cá nhân có trách nhiệm vi phạm trong việc thẩm định, đề xuất cấp phép chứ không để câu hỏi trách nhiệm lửng lơ như qua các vụ bê bối ở ĐH quốc tế Hồng Bàng, ĐH Phan Thiết vừa qua.
Vũ Thơ (TNO)
Bình luận (0)