Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Nhiều năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định về kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và chỉ đạo công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số quốc gia. Việc này đã giúp cắt giảm, đơn giản hóa nhiều TTHC, từng bước đổi mới việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thúc đẩy việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; cắt giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Việc khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; hạn chế việc di chuyển, thời gian chờ đợi; tinh gọn cán bộ, công chức tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”…, giúp tiết kiệm cho xã hội hàng ngàn tỷ đồng.
Thực tiễn cũng đã xuất hiện nhiều điểm sáng trong cải cách TTHC. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án (Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh) của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD tại Khu công nghiệp Sông Khoai (thị xã Quảng Yên), với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD. Cả 2 dự án đều được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 12 giờ làm việc, kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh (rút ngắn thời gian giải quyết 14 ngày làm việc so với quy định).
Tuy nhiên, việc cải cách TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương còn hình thức, hiệu quả chưa cao; phản ứng chính sách trước yêu cầu thực tiễn xã hội còn chậm. TTHC trên một số lĩnh vực vẫn là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Do đó, việc tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp là đòi hỏi bức thiết trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi hiện nay. Gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Một bài học được Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh, đó là trong cải cách hành chính nói riêng, chuyển đổi số nói chung, rất quan trọng là vai trò của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu vào cuộc chỉ đạo quyết liệt thì ở phía dưới có sự chuyển động mạnh mẽ. Cùng với đó là chú trọng trong việc lựa chọn cán bộ, công chức giỏi, đáp ứng yêu cầu công tác ở các cơ quan chuyên môn về kiểm soát TTHC. Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng phải đồng bộ, toàn diện, liên thông, nhanh chóng hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Một yếu tố quan trọng khác là đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo ra những giá trị mới; sớm đưa trung tâm dữ liệu quốc gia đi vào hoạt động…
Rõ ràng, càng khó khăn thì càng là dịp để nhận diện và tháo gỡ những rào cản TTHC đang gây khó khăn trong thực tế. Từng lĩnh vực đều cần phải chuyển động, từ việc cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân đến thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh người và phương tiện… Chỉ có thực hiện đồng bộ như vậy, chúng ta mới nhanh chóng tháo gỡ được các điểm nghẽn hiện nay, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển hơn nữa.
LÂM NGUYÊN (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)