Thắt chặt chi tiêu, tăng cường quản lý công, đẩy mạnh sản xuất và an sinh xã hội… là những chương trình hành động và mục tiêu quan trọng của các địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ. Cuộc tọa đàm với nội dung trên diễn ra chiều qua tại TPHCM với sự tham gia của đại diện 4 tỉnh, thành: TPHCM, Đồng Nai, Bình Phước và Sóc Trăng.
Cắt giảm đầu tư và chi tiêu
Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết thành phố triển khai 5 nhóm giải pháp, trong đó có việc thắt chặt chính sách tiền tệ; tăng cường quản lý ngân sách, chi tiêu công; thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tập trung đảm bảo an sinh xã hội. Thành phố tiết giảm 10% chi thường xuyên và dừng mua sắm ô tô, giảm hội họp không cần thiết, tiết kiệm được trên 408 tỷ đồng. Với xây dựng cơ bản, TP chi cho đầu tư trên 20 ngàn tỷ đồng mỗi năm, từ nhiều nguồn vốn. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành NQ 11, TP đã tạm dừng 89 dự án với số vốn 440 tỷ đồng.
Ông Đinh Quốc Thái – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết sau một tháng thực hiện NQ 11, tỉnh đã xây dựng, rà soát lại, phấn đấu đạt mục tiêu thu ngân sách 2011 tăng 10-12%, tương đương khoảng 2.000-2.500 tỷ đồng. Giảm chi thường xuyên 10% trong 9 tháng tương đương trên 60 tỷ đồng. Sau khi rà soát các công trình xây dựng cơ bản có vốn đầu tư từ ngân sách, tỉnh đã cắt giảm được 125,5 tỷ đồng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Lê Thành Trí cho biết tỉnh đã dừng 7 dự án với số vốn 39 tỷ đồng, hoãn khởi công 6 dự án với hơn 30 tỷ đồng, giãn tiến độ thực hiện đối với 8 công trình khác. Ông Bùi Văn Thạch – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết tỉnh này cũng đã cắt giảm 29 công trình với tổng số tiền trên 65 tỷ đồng…
Tăng tiết kiệm, hỗ trợ người nghèo
Tiết kiệm điện để đảm bảo sản xuất và an sinh xã hội là một trong những vấn đề được TPHCM quan tâm hàng đầu. TP đã triển khai áp dụng giá điện theo quy định của nhà nước và vận động 35.000 chủ nhà trọ không thu thêm tiền điện, nước ngoài quy định của nhà nước.
Chương trình này đã hỗ trợ trên 700.000 người thu nhập thấp và học sinh, sinh viên ở trọ. Riêng tháng 3 vừa qua, TP đã tiết kiệm 3 triệu kWh điện.
Đối với Bình Phước – Phó chủ tịch UBND Bùi Văn Thạch nói, do đặc thù nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nên tỉnh đã đề nghị các ngân hàng trên địa bàn ưu tiên vốn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu.
Một tháng vừa qua, các ngân hàng đã linh động hơn trong hỗ trợ vốn đối với lĩnh vực này. Bình Phước hiện đang vào mùa điều và doanh nghiệp đang cần nhiều vốn để thu mua xuất khẩu. Chỉ trong 1 tháng qua, tổng dư nợ cho nông nghiệp nông thôn đạt 65,8% của toàn tỉnh. Đây cũng là bước đột phá giúp doanh nghiệp xuất khẩu.
Đại Dương / TPO
Bình luận (0)