Chính phủ quyết định mở cửa lại du lịch từ ngày 15-3 tới đây đã khẳng định tính dự báo chính xác, phù hợp với lộ trình của kế hoạch phục hồi của ngành du lịch TP. Là động lực để ngành du lịch, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tự tin, chủ động hơn trong việc triển khai các phương án kinh doanh trong thời gian tới…
Ngành du lịch đang đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch gắn với đường thủy
Dự báo chính xác
Chia sẻ với Tạp chí Giáo dục TP.HCM, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) cho rằng, việc Chính phủ quyết định mở cửa lại du lịch ngày 15-3 đã khẳng định tính dự báo chính xác, phù hợp với lộ trình, kế hoạch phục hồi của ngành du lịch TP, có cơ sở khoa học và thực tiễn đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo TP và Chính phủ. Đây còn là động lực để ngành du lịch, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch của TP tự tin, chủ động hơn trong việc triển khai các phương án kinh doanh trong thời gian tới, nhất là công tác chuẩn bị cho kế hoạch đón khách du lịch quốc tế. Tạo sự phấn khởi, quyết tâm phục hồi lại hoạt động du lịch trong và ngoài nước đối với cơ quan quản lý ngành, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch đồng thời đây cũng là áp lực để các đơn vị phải gấp rút chuẩn bị lại, nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm mua sắm, điểm tham quan, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển… “Theo Kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19 số 3404/KH-UBND ngày 14-10-2021 và theo KH số 239/KH-UBND ngày 21-1-2022 của UBND về thí điểm kế hoạch đón khách quốc tế năm 2022, từ 4-2022, ngành du lịch khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn TP, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi…”, bà Hiếu dẫn chứng.
Du lịch kết hợp hội nghị
Tháng 1 vừa qua, Chính phủ cho phép TP.HCM thí điểm đón khách quốc tế, tuy nhiên đến thời điểm này TP vẫn chưa đón đoàn khách quốc tế nào. Lý giải điều này, bà Hiếu cho biết, do các đơn vị lữ hành đang khó khăn trong thủ tục cấp visa cho khách du lịch quốc tế. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang gấp rút phối hợp với Cục quản lý xuất nhập cảnh giải quyết vấn đề trên và trong cuối tuần qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản về việc hướng dẫn thí điểm đoàn khách du lịch quốc tế trong giai đoạn 2 là cơ sở để Cục Quản lý xuất nhập cảnh em xét thủ tục cấp visa cho các đoàn khách du lịch quốc tế vào TP.HCM. Mặt khác, vấn đề về mua gói bảo hiểm Covid-19 cũng gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp lữ hành đang rất khó khăn tìm kiếm một số đơn vị thích hợp cung cấp gói dịch vụ bảo hiểm trong đó có bảo hiểm đối với trường hợp bị F0. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành còn nhiều e ngại khi vận hành lại hoạt động du lịch của mình bởi dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp. Ở một số doanh nghiệp cũng tồn tại tâm lý chờ đợi khi Chính phủ ban hành quyết định mở cửa hoàn toàn du lịch ngày 15-3 với những quy định, điều kiện đón khách sẽ cởi mở hơn, thủ tục đơn giản… “Mặc dù gặp phải khó khăn nêu trên, ngành du lịch TP cùng với các doanh nghiệp tích cực chuẩn bị cơ sở hạ tầng cùng các giải pháp trước mắt và lâu dài để hoàn thành mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến TP.HCM trong năm 2022 với điều kiện bình thường mới”, bà Hiếu nói.
Khai thác tour du lịch đường thủy
Để có sản phẩm du lịch hút khách quốc tế, ngành du lịch tập trung cho việc xây dựng sản phẩm độc đáo, đặc trưng của TP trong mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành “đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á” với sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch đường thủy nội đô và liên tuyến, du lịch ẩm thực và du lịch gắn với văn hóa lịch sử.
“Trong thời gian tới, ngành du lịch dự định khảo sát, nghiên cứu mở tour du lịch bằng trực thăng ngắm TP từ trên cao; Tàu cao tốc đi Côn Đảo…”, Bùi Thị Ngọc Hiếu (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) thông tin. |
Bà Hiếu cho biết, với lợi thế về hệ thống sông và kênh nội đô thuận lợi của TP.HCM, ngành du lịch đã cùng các doanh nghiệp khai thác các sản phẩm du lịch gắn với đường thủy hoàn thiện các dịch vụ, tăng giá trị trải nghiệm các hoạt động trên tuyến, gắn với các hoạt động tham quan giá trị văn hóa tại các điểm đến gắn với các tuyến du lịch đường thủy; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các chính sách giá dịch vụ phù hợp, các phương thức phục vụ phù hợp với xu hướng mới để đảm bảo các điều kiện an toàn cho khách du lịch tham gia; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch gắn với đường thủy của TP như: tour Bạch Đằng đi Củ Chi; tour Bạch Đằng đi Cần Giờ; dịch vụ thưởng ngoạn trên sông Sài Gòn kết hợp với thưởng thức ẩm thực trên các tàu nhà hàng, du thuyền.
Theo các chuyên gia, du lịch tuy là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng cũng là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất bởi nó đã trở thành nhu cầu thiết yếu với mọi người dân trên toàn thế giới sau thời gian dài “giãn cách”. Hậu Covid-19 đã làm thay đổi nhu cầu của du khách và tạo thành một xu hướng du lịch mới. Du khách sẽ chú trọng hơn tới các yếu tố an toàn, nhu cầu đối với sản phẩm du lịch ngắn ngày, các kỳ nghỉ dưỡng cao cấp ở các không gian mở ngày càng tăng.
Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh (Giám đốc Khối kinh doanh du lịch khách đoàn) cho biết, thời gian tới, Vietravel sẽ chú trọng khai thác thị trường du lịch M.I.C.E (kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm) nội địa, ưu tiên vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp, các điểm đến gần gũi với thiên nhiên, đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, và mang lại trải nghiệm thật sự ấn tượng cho khách hàng. Đồng thời, công ty cũng đang đẩy mạnh thị trường du lịch nước ngoài (Outbound) với các điểm đến an toàn như: Thái Lan, Campuchia, Maldives, châu Âu… để khách hàng có thêm sự lựa chọn.
Đặc biệt, công ty còn thiết kế nhiều dòng sản phẩm tập trung vào loại hình du lịch sống chậm và rèn luyện sức khỏe như: ngồi thiền, tập yoga, dưỡng sinh, tắm khoáng nóng. Du lịch không chỉ dừng lại ở việc ăn ngon, thưởng ngoạn cảnh đẹp mà mục đích cốt lõi chính là phục hồi thể chất và tái tạo năng lượng giúp tinh thần vui vẻ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)