Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

QUỲNH TRANG: Cô gái 8X khởi nghiệp thành công với số vốn là… niềm tin

Tạp Chí Giáo Dục

“Trong câu chuyện khởi nghiệp, với tôi, số vốn tiền mặt đương nhiên là rất cần, nhưng không phải là quá quan trọng. Số vốn quan trọng, dồi ào nhất mà tôi có là: niềm tin”- Nguyễn Thuý Uyên Phương, Giám đốc Trường ngoại khóa Tomato chia sẻ.

Môi trường giáo dục ở Tomato rất nhẹ nhàng, gần gũi nhưng thiết thực với các em học sinh - Ảnh NVCC

Môi trường giáo dục ở Tomato rất nhẹ nhàng, gần gũi nhưng thiết thực với các em học sinh – Ảnh NVCC

Khởi nghiệp vì không có mô hình tương tự để “đầu quân”

Ngày còn là 1 cô sinh viên ĐH Ngoại Thương, Uyên Phương khá nổi bật khi tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, phong trào của thanh niên. Ngay sau khi tốt nghiệp, chị đã có nhiều trải nghiệm thông qua các công việc quản trị viên của một tập đoàn đa quốc gia. Rồi Uyên Phượng lại tiếp tục khẳng định khả năng của mình qua những dự án giáo dục phi lợi nhuận như Chương trình “Hạt giống lãnh đạo” IPL, Dự án Sách Hay, Dự án OneBook… mà chị là người trực tiếp điều hành.

Có khả năng và kinh nghiệm, nhưng thời điểm ấy, chưa bao giờ “thuyền trưởng” 8X của con tàu Tomato nghĩ đến chuyện mình sẽ khởi nghiệp. Chỉ đến khi tham gia chương trình trao đổi chuyên gia Việt Nam – Hoa Kỳ của Bộ ngoại giao Mỹ với đề tài nghiên cứu "Tiếp sức cho trẻ em và phụ nữ thông qua giáo dục để tiếp cận với các mô hình giáo dục tiến bộ dành cho nhóm đối tượng này", ý tưởng về một trường ngoại khoá trang bị cho trẻ những kỹ năng xã hội bắt đầu nhen nhóm trong Uyên Phương.

Chị tâm sự: “Đã từng làm các chương trình cho sinh viên, Phương nhận ra các bạn trẻ vẫn còn thiếu nhiều về kỹ năng sống. Nhưng nếu bắt đầu với lức tuổi thanh niên thì quá trễ, cần phải làm điều gì đó ngay khi các em còn nhỏ, nhất là việc trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để trẻ có thể vững vàng bước ra xã hội”.

Trở về nước, Phương dốc hết số tiền mình đã dành dụm được sau bao năm đi làm, từ giã công việc với mức lương mà nhiều người mơ ước, ở một môi trường có thể nói là không thể chê vào đâu được, Phương bắt tay vào dự án của mình.

Mỗi người đều có lý do khởi nghiệp khác nhau, riêng với Uyên Phương: “Lý do duy nhất là Phương cảm thấy muốn làm điều đó nhưng không có mô hình nào tương tự ở Việt Nam để mình đầu quân. Thôi thì chưa ai làm thì mình tự làm.Vậy là Phương quyết định sáng lập Tomato”.

Nữ thủ lĩnh kiên cường

Uyên Phương chia sẻ: “Để khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục hiệu quả, phải luôn trong trạng thái cân bằng: Lý tưởng để giữ được cốt lõi cao đẹp của giáo dục,  nhưng cũng thực tế để tính toán hệ thống của mình bằng tư duy của nhà kinh tế”

Uyên Phương chia sẻ: “Để khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục hiệu quả, phải luôn trong trạng thái cân bằng: Lý tưởng để giữ được cốt lõi cao đẹp của giáo dục, nhưng cũng thực tế để tính toán hệ thống của mình bằng tư duy của nhà kinh tế”

Ban đầu, cũng như nhiều bạn trẻ khởi nghiệp khác, Uyên Phương gặp những khó chung như nguồn vốn chưa dồi dào, hệ thống chưa trưởng thành. Nhưng có một khó khăn đặc thù trong lĩnh vực giáo dục mà Tomato phải đối mặt: Khách hàng thường có tâm lý tập trung vào những công ty lớn, hệ thống có tên tuổi, còn Tomato lúc bấy giờ vẫn còn quá mới.

Điều mà Uyên Phương phải đương đầu chính là giữ vững lập trường kiên định với phương pháp giáo dục của mình. Năm đầu tiên hoạt động, Tomato dành phần lớn thời gian thuyết phục các phụ huynh chấp nhận những chương trình  mới lạ như giáo dục trẻ về cảm xúc, về phương pháp tư duy, về chuyện không dạy chữ cho con mà dạy con “học cách học trước khi vào lớp 1".

Khi những khó khăn dồn dập ập đến, những tưởng con thuyền Tomato đã chao đảo, lung lay thì may mắn “cơn bão” khó khăn lại qua đi. “Sau một năm kiên định với phương pháp giáo dục mới, niềm tin về phương pháp đào tạo hiệu quả của Tomato được nhân rộng. Đồng thời, xã hội cũng bắt đầu rộng cửa tiếp nhận những xu hướng giáo dục tiến bộ nên hướng đi Phương lựa chọn cho Tomato ngày càng được ủng hộ”, Uyên Phương tâm sự.

Tiêu chí của Tomato đặt ra: Tập trung đầu tư vào chất lượng giáo viên

Tiêu chí của Tomato đặt ra: Tập trung đầu tư vào chất lượng giáo viên

Điều mà “thủ lĩnh” của Tomato nghĩ mình đã làm đúng trong việc khởi nghiệp chính là thay vì đầu tư vào quảng cáo, PR, phát triển thương hiệu hoành tráng, Tomato quyết định đầu tư vào giáo viên và không gian trường lớp. Bởi Uyên Phương nghĩ giáo viên phải gắn kết với trường thì họ mới gắn kết với trẻ và phải giúp trẻ cảm giác đến Tomato như trở về nhà.

Biến niềm tin thành vốn khởi nghiệp

Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, chị nhấn mạnh: “Thực ra trong câu chuyện khởi nghiệp, với Phương, số vốn tiền mặt đương nhiên là rất cần, nhưng không phải quá quan trọng. Số vốn quan trọng, dồi ào nhất mà Phương có chính là: vốn niềm tin. Phương khởi nghiệp khi khá chín chắn, sau 10 năm đi làm. Vốn niềm tin từ những người từng làm việc với mình như đồng nghiệp, đối tác, cộng đồng những người mình đã làm việc trong suốt 10 năm. Phương cảm thấy mình có số vốn đó rất là lớn. Và chính số vốn đó đã giúp Tomato vượt qua được rất nhiều thử thách”

“Phương cũng không ngờ 3 năm sau, Tomato có đến 3 cơ sở, với hơn 20 giáo viên. Có lẽ, do Phương khởi nghiệp với một tâm thế rất thoải mái: Nếu thất bại thì tôi sẽ làm lại, nhưng phải là thất bại như thế nào để đứng lên làm tiếp. Phương nghĩ thành công là hệ quả từ những việc mình làm và phải luôn tự nhắc mình giữ vững tâm thế đó”, Uyên Phương tâm sự.

QUỲNH TRANG (TNO)

 

Bình luận (0)