Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quýt làm cam chịu

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian vừa qua, dư luận dậy sóng với các bài viết liên quan đến món “canh gà Thọ Xương” của cô trò Trường THCS-THPT Lômônôxốp Hà Nội. Trên báo chí cũng như trên facebook (FB) có hai phe rõ rệt tranh luận về vấn đề này.
Một nhóm bảo vệ cô giáo, một nhóm bảo vệ học sinh. Sự việc lẽ ra không đến mức lớn chuyện nhưng bỗng thành lớn.
Tối 16-10, khi vừa đi làm về đến nhà, tôi bỗng nhận được điện thoại của một thầy giáo ở Trường Lômônôxốp. Thầy hỏi tôi: Em có tham gia vào “cuộc chiến món canh gà Thọ Xương” của trường thầy không? Chưa đợi tôi trả lời, thầy đã giãi bày luôn tâm sự. Số là suốt từ ngày 12-10 đến giờ, điện thoại của thầy lúc nào cũng nóng. Lúc đầu thầy còn nối máy nhưng sau thì cứ thấy số lạ là thầy không nghe. Bởi có quá nhiều cơ quan báo gọi điện đến. Điều đáng nói là ai cũng muốn trường trả lời một cách tường minh xem vụ việc được giải quyết như thế nào, lỗi thuộc về ai. Mặc dù, trên các báo, Ban giám hiệu nhà trường cũng như Chủ tịch Hội đồng quản trị đã trả lời rất rõ ràng, báo lớn có, báo điện tử có nhưng vẫn cứ hỏi.
Hiệu ứng của báo chí thật đáng sợ. Em HS có bài được lên báo từ “người hùng” bỗng trở thành nạn nhân. Thầy cho biết nhà trường phải quán triệt tinh thần tới các HS lớp lớn để bảo vệ em. Không chỉ bị “đe dọa” bởi các HS trong trường mà còn trên cộng đồng mạng, em HS này cũng bị nhiều người “ném đá”. Thử nhìn lại vấn đề, HS này mới đang học lớp 7, trước sức ép của dư luận, của chính bạn bè, liệu em có thể yên tâm ngồi học? Cô giáo sai đến đâu đã có nhà trường xử lý nhưng còn em HS này, em có sai không? Câu chuyện chỉ bắt đầu khi phụ huynh kiểm tra sách vở của con hàng ngày và phát hiện ra lỗi; và vị phụ huynh này đã chụp hình bài đưa lên FB. Phản ánh của phụ huynh là hoàn toàn có lý vì một lỗi sai nghiêm trọng như thế nhưng không thấy giáo viên sửa vào vở của HS. Chính vì vậy, họ hoàn toàn có quyền bức xúc. Một vài trang báo nói đến tính nhân văn, đến điều nọ điều kia nhưng lạ thay, họ đều không chú ý đến cảm xúc của người giáo viên và của em HS. Việc khai thác quá sâu vào sai sót của một người giáo viên là điều khó chấp nhận nhưng càng không thể chấp nhận hơn nữa khi dư luận đang gián tiếp gây sức ép đến em HS. Hơn nữa, chắc gì cô giáo đã thấy được an ủi trước những lời động viên? Còn với em HS lớp 7, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, em còn đang được sống trong sự đùm bọc của cha mẹ, phải 5 năm nữa mới bước vào tuổi trưởng thành. Lỗi này không phải do em gây ra, tôi phải nhấn mạnh điều này. Chính vì vậy, thiết nghĩ, câu chuyện món ăn “canh gà Thọ Xương” nên dừng lại ở đây là quá đủ. Dư luận có thể lôi người này, người kia ra hỏi để xin ý kiến nhưng đừng biến một đứa trẻ trở thành đề tài nóng để câu khách.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)