Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ra công viên… luyện tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày càng nhiều bạn trẻ tìm đến Công viên 23 Tháng 9 luyện tiếng Anh với người nước ngoài

Không tốn bất kỳ khoản chi phí nào mà còn tha hồ trò chuyện với người ngoại quốc, thời gian gần đây, ngày càng nhiều bạn trẻ chọn cách học tiếng Anh thú vị này.
Lớp học “ghế đá”
Nhà ở quận Tân Phú, nhưng chủ nhật tuần nào Nguyễn Văn Chung (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cũng bắt xe buýt sang Công viên 23 Tháng 9 (quận 1) học tiếng Anh. Chưa tự tin vào khả năng giao tiếp của mình nên phần lớn thời gian Chung dành cho việc lắng nghe và ghi lại từ mới, câu thoại hay. “Nghe mới mấy tuần mà thấy mình dạn dĩ hơn hẳn đó chị. Giờ siêng tập thêm ở nhà, em tin tiếng Anh không quá khó để chinh phục”, Chung vui vẻ nói với chúng tôi.
Cũng như Chung, mỗi ngày, hàng trăm bạn trẻ tìm đến công viên này luyện tiếng Anh. Đa phần họ là học sinh, sinh viên và giới văn phòng. Thế nên “buổi học” thường bắt đầu sau giờ tan tầm cho đến 9-10 giờ đêm. Chủ đề mà họ chọn giao tiếp với người nước ngoài thường xoay quanh cuộc sống thường nhật như công việc, gia đình, văn hóa, du lịch, ẩm thực…
Nằm ngay khu trung tâm của một đô thị sầm uất, Công viên 23 Tháng 9 là điểm dừng chân hóng gió, dạo mát của rất nhiều người nước ngoài. Họ sang Việt Nam du lịch, công tác và cũng có người định cư luôn tại đây. Như ông Lee (62 tuổi, người Mỹ) mới đầu chỉ sang Việt Nam công tác, sau hơn 2 năm sinh sống tại TP.HCM, giờ quyết định làm dân Sài Gòn. Mỗi chiều, sau khi tập thể dục xong, ông lại cùng các bạn trẻ ngồi trò chuyện. Kiến thức rộng, tính cách hài hước, mỗi chủ đề “thầy” Lee đưa ra đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ mọi người. Không chỉ giúp các bạn học sinh, sinh viên chỉnh sửa cách phát âm, rèn luyện các câu thoại chuẩn, ông còn giới thiệu đến họ nét đặc sắc của nhiều nền văn hóa khác nhau. Có hôm, ông dạy các bạn mấy câu chào của người Ý, lắm buổi lại cùng nhau hát hò bằng tiếng Anh hoặc bàn luận về những vấn đề trong cuộc sống. Với những ai thường xuyên lui tới công viên này, ông Lee đã trở thành người thầy, người bạn thân quen. Là bạn giao tiếp “ruột” của ông Lee, Nguyễn Thanh Quang (28 tuổi, kỹ sư điện) cho biết anh và các bạn trẻ học được từ những người như ông Lee không chỉ đơn thuần là ngoại ngữ mà còn là phong cách sống, sự tự tin trong giao tiếp, ứng xử. Mới đầu ai cũng rụt rè, ngượng ngùng, giờ thì cảm giác đó mất hẳn.
Đi riết thành “ghiền”
Người đến công viên luyện Anh ngữ thì nhiều nhưng để gắn bó lâu dài với “lớp học” này đòi hỏi cả quá trình kiên trì, nhẫn nại. Bởi việc tiếp cận, trò chuyện với người nước ngoài đôi khi cũng xuất hiện những rào cản vô hình. “Đâu phải ai cũng sẵn lòng nói chuyện với mình. Không ít khách du lịch nghe hỏi nhiều còn tỏ ra hoài nghi, cáu gắt. Vì vậy, muốn nhanh tiến bộ, mỗi người phải thật sự chịu khó và khéo léo trong cách giao tiếp”, Phạm Thị Ngọc Diễm (sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho hay.
Thông thường, lịch học tại công viên do mỗi cá nhân tự sắp xếp sao cho phù hợp với chuỗi thời gian của mình. Nhưng muốn sớm lên “level”, việc giao tiếp liên tục là yếu tố quan trọng. Trước kia, dù khá ổn về mặt ngữ pháp nhưng do không được luyện kỹ năng nghe – nói nên mỗi lần gặp người nước ngoài, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (28 tuổi, Đồng Nai) lại lóng ngóng, chả biết bắt đầu từ đâu. Nhưng sau hơn một năm tập luyện tại công viên này, mọi thứ đã thay đổi. Giờ đây, nhìn cách Hạnh giao tiếp tự tin với những người bạn ngoại quốc, chẳng ai ngờ cách đó không lâu, cô bạn chỉ dám tới đây để… nghe người ta nói. Hạnh chia sẻ sự thoải mái trong môi trường giao tiếp giúp cô trút bỏ những e dè lúc đầu. Dần dần, khi đã tích lũy cho bản thân một vốn từ kha khá, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. “Không tốn tiền lại còn được học trực tiếp với người bản xứ, theo tôi, đây là phương pháp học Anh văn tiết kiệm và hiệu quả nhất. Giờ tuy đã có thể tự tin giao tiếp với mọi người bằng tiếng Anh nhưng cuối tuần không ra đây là thấy nhớ”, Hạnh nói.
Đâu riêng gì những người trẻ như  Chung, Hạnh mới thích tới công viên luyện tiếng Anh, ngay cả ông giáo già Nguyễn Văn Thép (60 tuổi, Bến Tre) cũng bị sự thú vị của môi trường luyện tập mở này cuốn hút. Cả tuần “gõ đầu trẻ”, đến thứ bảy, chủ nhật, ông lại tới ghế đá công viên… học tiếng Anh. Không cố ép mình vào những chủ đề quá xa vời cuộc sống, cuộc trò chuyện của ông với “người bạn mới” nào cũng bắt đầu bằng lời thăm hỏi quen thuộc về sức khỏe, công việc. Tuy mới tới đây vài tháng nhưng ông Thép cho biết kỹ năng nghe nói của mình đã được nâng cao rõ rệt. Nếu những bạn trẻ chỉ thích chọn người nước ngoài để luyện tiếng Anh thì với ông, kiếm được vài người bạn Việt cùng trò chuyện cũng là một cái hay. Khi thấy bạn trẻ nào tỏ ra lúng túng, mất tự tin, ông luôn tìm cách giúp đỡ, kéo họ vào câu chuyện của cả nhóm.
Bài, ảnh: Mỹ Dung

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)