Hướng dẫn học viên Trường TC Nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương thực hành trên thiết bị máy móc
|
Trong khi nhiều học sinh chọn trung cấp (TC) chỉ nhằm liên thông lên đại học (ĐH) thì gần đây, không ít SV sau khi tốt nghiệp ĐH lại “lội ngược” về học TC thậm chí sơ cấp nghề với mong muốn có được việc làm.
Các trường TC cho đây là tín hiệu lạc quan vì người học đã bắt đầu “trân trọng” bậc học mà họ đang nỗ lực đào tạo. Nhưng ý kiến khác lại xem việc này chỉ là công đoạn người học bổ sung kỹ năng thực hành nghề, tất yếu diễn ra vào thời điểm lực lượng mới tốt nghiệp chưa đủ “lành nghề”.
Bậc TC “có giá”?
Tại một dịp vừa gặp gỡ báo chí, TS. Hoàng Ngọc Vinh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT) đề cập đến con số bất ngờ, có tới 40% học viên khóa mới mà Trường TC Du lịch và Khách sạn Saigontourist tuyển sinh được đã từng tốt nghiệp ĐH. Ông Vinh cho rằng, việc người đã tốt nghiệp ĐH lại tiếp tục chuyển sang học TC để có việc làm gây lãng phí lớn.
Những sự… lãng phí như thế này còn bắt gặp ở không ít địa chỉ đào tạo TCCN khác. Ông Đặng Văn Sáng (Hiệu trưởng Trường TC Ánh Sáng) cho biết, hai ngành dược và kế toán tại trường thời gian qua có nhiều cử nhân đăng ký học nhất. Hằng năm có từ 25% đến 30% học viên trong số 1 ngàn chỉ tiêu tuyển được của trường là cử nhân các trường ĐH kể cả trường công lập.
Không chỉ đầu quân vào TCCN, mức độ quan tâm của những kỹ sư, cử nhân sau khi tốt nghiệp ĐH cũng dồn vào các khóa dạy nghề ngắn hạn. Ông Phạm Nguyên Huy (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường TC Nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương) thống kê, trong hơn 11 ngàn lượt học viên theo học tại trường năm 2013 có gần 200 SV đã tốt nghiệp ĐH các ngành kỹ thuật và gần 400 SV đang học năm cuối ngành kỹ thuật tại các trường ĐH (chiếm tỷ lệ gần 5%).
Theo ông Huy, bên cạnh mục đích nâng cao tay nghề, bổ sung kỹ năng thực hành thì số SV này còn có nguyện vọng học thêm ngành nghề thứ hai liên quan đến lĩnh vực chuyên môn để đáp ứng được nhiều vị trí công việc, “ứng phó” trường hợp doanh nghiệp không muốn tuyển thêm người và thậm chí tiếp cận thêm cả lĩnh vực không liên quan đến chuyên môn nhằm chuyển đổi ngành nghề.
Ông Đặng Văn Sáng cho rằng việc người tốt nghiệp ĐH tìm đến trường nghề, TCCN có thể xem là dấu hiệu lạc quan cho thấy người học bắt đầu “trân trọng” hệ đào tạo này. Nhiều ý kiến trái chiều khác lại nhìn nhận, việc học TC không đồng nghĩa SV “xếp” hẳn bằng ĐH mà thực tế các em chỉ dùng kiến thức thực tiễn ấy để bổ sung, nâng cao tay nghề phục vụ mục đích xin việc, đáp ứng thị trường lao động.
“Chỉnh” lại cơ cấu ngành nghề
Dù vậy, các đơn vị đều cho rằng, việc ròng rã đèn sách 4 năm ĐH sau đó lại học thêm TC, sơ cấp nghề… gây tốn kém tiền bạc và công sức lớn. Sự lãng phí này theo ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) không chỉ đối với bản thân người học mà còn với xã hội. Vì ngoài kinh phí cá nhân người học, các cơ quan đào tạo hầu hết có sự đầu tư của xã hội, Nhà nước…
Ông Đặng Văn Sáng thừa nhận, không ít gia đình đã “lâm nợ” sau quá trình cho con học ĐH, trong khi đó, các em tốt nghiệp xong lại theo đuổi thêm hệ đào tạo nghề, TCCN… tiếp tục gây tốn kém.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng nếu bỏ qua vấn đề kinh phí học tập thì việc SV sau tốt nghiệp ĐH tìm đến gõ cửa các trường nghề, TCCN có thể chấp nhận được khi các em thực sự có nguyện vọng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, kiến thức thực tiễn đáp ứng các yêu cầu gắt gao của nhà tuyển dụng; hoặc chuyển hướng nghề nghiệp do nhận ra mình không phù hợp.
Về lâu dài, vấn đề quan trọng cần đặt ra theo ông Tuấn chính là chú trọng đào tạo bám sát nhu cầu nhân lực thị trường lao động, điều chỉnh cân đối cơ cấu ngành nghề. Thời gian qua, việc đào tạo mất cân đối giữa các ngành nghề, điển hình có ngành ít đầu việc mà nhiều người “chen” vào kèm với tình hình kinh tế khó khăn đã dẫn đến tình trạng SV ra trường liên tục thất nghiệp.
“Cùng với việc các cấp ngành quan tâm điều chỉnh cân đối cơ cấu nguồn nhân lực, công tác hướng nghiệp hiệu quả sẽ giúp hạn chế bớt những sản phẩm đào tạo mà doanh nghiệp “chê” không sử dụng được, đồng thời giảm thiểu cảnh người lao động “trắng” việc làm sau khi ra trường” – ông Tuấn nói.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Thợ giỏi hơn kỹ sư yếu
“Người học đừng quá ảo vọng vào tương lai của ĐH-CĐ, thà là một thợ giỏi còn hơn kỹ sư yếu. Sau khi hoàn thành TC, đi làm và ổn định công việc, người lao động có điều kiện có thể học nâng cao” – ông Đặng Văn Sáng (Hiệu trưởng Trường TC Ánh Sáng) nêu quan điểm.
|
Bình luận (0)