Thiếu người hợp tác, thiếu môi trường làm việc lành mạnh đã khiến cho không ít người quản lý phải ra đi
Cách đây gần tháng, tình cờ gặp lại anh L.M.T, trước đây từng là giám đốc điều hành công ty T.T (quận 10- TPHCM), tôi khá bất ngờ khi anh cho biết đang đảm nhận vị trí trưởng phòng kinh doanh của công ty K.V đóng tại Nha Trang. Lý giải về việc rời bỏ vị trí quản lý cao cấp nơi anh ấp ủ nhiều ước mơ, nhiều tham vọng cải tổ doanh nghiệp để trở lại công việc kinh doanh cũ, anh T. phân trần: “Ở T.T, những mong muốn của tôi không thể thực hiện được vì môi trường làm việc không cho phép phát huy khả năng của mình”.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng (thứ 2 từ phải sang) thăm Công ty Gạch Đồng Tâm Long An, nơi có môi trường làm việc tốt. Ảnh: N.DƯƠNG |
Cô đơn giữa đám đông
Trước khi đến với T.T, anh L.M.T từng là giám đốc kinh doanh ở một công ty bia rượu có vốn đầu tư nước ngoài đóng tại Nha Trang- Khánh Hòa. Công việc tại đây rất tốt, chỉ có điều anh phải thường xuyên tiếp khách, phải uống nhiều bia rượu mà điều này không tốt cho sức khỏe của anh. Đó cũng là lý do đầu năm 2008, anh quyết định nộp hồ sơ đến các công ty “săn đầu người” để tìm công việc mới. Sau hơn một tháng gởi hồ sơ, nhiều doanh nghiệp mời anh phỏng vấn, trong đó có công ty T.T. Anh cho biết: Lúc ấy, T.T đang phát triển và có nhiều dự án kinh doanh về bất động sản, trung tâm thương mại nên cần một người trợ giúp tổng giám đốc quản lý mọi việc. Thêm vào đó, trước đây, công ty hoạt động theo quy mô gia đình nên tổng giám đốc cũng muốn anh tái cấu trúc nhân sự cho phù hợp với sự phát triển. Anh chấp nhận lời đề nghị và ngay sau đó, được hưởng nhiều ưu đãi từ phía công ty: Có xe đưa đón khi đi làm, được ở căn hộ cao cấp và mức lương hơn 5.000 USD/tháng.
“Thế nhưng mọi chuyện không như mong muốn của tôi”- anh T. phân trần. Khi bắt tay vào xây dựng lại hệ thống kinh doanh, anh gặp ngay trở ngại khi nhiều phòng ban không muốn hợp tác, đặc biệt những thông tin nội bộ không được hệ thống hóa trên mạng nội bộ. Chính vì thế, để tìm kiếm các số liệu, anh phải họp với các phòng ban. Trong khi đó, tổng giám đốc lại yêu cầu anh thực hiện công việc chỉ trong 6 tháng. “Trong công ty, những người làm được việc không nhiều. Lúc đó, dù đảm nhận vai trò giám đốc điều hành nhưng tôi lại kiêm luôn vai trò giám đốc nhân sự, tìm kiếm người mới cho công việc của mình. Cũng chính vì thế mà những ý tưởng cải tổ của tôi đưa ra không thực hiện được vì thiếu cộng sự, thiếu những người có cùng chí hướng với mình”. Cuối cùng, vì áp lực công việc, vì thiếu sự hợp tác của những người cấp dưới, anh T. quyết định ra đi.
Thất bại vì sự khác biệt
Từng đảm nhận vị trí quản lý tại công ty U. (100% vốn nước ngoài), có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, anh T.X.N ấp ủ ước mơ đem kiến thức, kinh nghiệm của mình áp dụng cho các công ty trong nước đang thực hiện cải tổ. Năm 2007, anh quyết định rời công ty U. để làm tổng giám đốc công ty S. Thế nhưng, khi thử sức mình ở lĩnh vực mới, những kinh nghiệm mà anh được học hỏi tại công ty cũ không thể thực hiện được ở doanh nghiệp tư nhân VN, nơi mà cung cách quản lý theo kiểu gia đình đã ăn sâu trong nhiều người quản lý.
Thất bại đầu tiên khi cải tổ doanh nghiệp là anh không được sự hưởng ứng của những người làm quản lý cũ, đội ngũ nhân viên làm việc theo kiểu hết giờ chứ không hết việc. Thiếu con người, thiếu ý tưởng, thiếu sự sáng tạo đã khiến anh không thể làm việc được. Anh tiến hành xây dựng lại quy trình làm việc, tuyển người mới thì lại bị sự phản ứng của những nhân viên cũ. “Trong khi ở công ty cũ, để thực hiện dự án hay một chương trình, tôi được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều nhân viên, tinh thần làm việc đồng đội hết mình thì ở ngôi nhà mới chỉ có mình tôi, không nền, không móng. Tôi cố công xây dựng thì những người khác lại ngoảnh mặt đi. Nhìn đâu, tôi cũng phải bắt đầu lại từ đầu: Xây dựng quy trình, tuyển chọn nhân viên, vạch kế hoạch phát triển chiến lược…”. Chỉ hơn một năm làm việc, anh rời bỏ vị trí tổng giám đốc vì bản thân anh chỉ lo giải quyết sự vụ là chính.
Chuyên gia nhân sự Phạm Văn Chính cho rằng môi trường làm việc quyết định sự thành công của nhân viên ở tại doanh nghiệp. Môi trường tốt giúp cho nhân viên làm việc hết mình, phát huy ý tưởng, khả năng sáng tạo cũng như kinh nghiệm quản lý. Ngược lại, khi nhân viên không cảm thấy hài lòng về môi trường làm việc, họ sẽ chán nản, không có hứng thú và cuối cùng phải ra đi.
|
Bình luận (0)