Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Rà lại quy trình lập trường đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 3-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề thành lập trường ĐH, chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK), việc duy trì hay thay đổi quy định miễn học phí cho SV sư phạm…

Ai cho phép lập trường ĐH?
Giải trình về quy định thẩm quyền thành lập trường ĐH, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nêu ba bước gồm Thủ tướng phê duyệt chủ trương thành lập trường ĐH trên cơ sở quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ, bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định thành lập trường ĐH và cho phép hoạt động đào tạo.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa – giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng lại bày tỏ lo ngại việc “tập trung trách nhiệm thẩm định và thẩm quyền quyết định thành lập cho phép thành lập trường ĐH cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ồ ạt mở trường ĐH không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng”.
Ông Trần Thế Vượng, trưởng Ban dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nói: “Đã có quy hoạch mạng lưới trường ĐH, quy định về điều kiện thành lập… thì bộ trưởng Bộ GD-ĐT căn cứ vào đó để ra quyết định, không cần thiết phải có “Thủ tướng phê duyệt”. Như vậy, để dễ quy trách nhiệm, nên theo phương án hai bước: bộ trưởng quyết định thành lập và cho phép đào tạo”.
Ông Hà Văn Hiền, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đề nghị nên cân nhắc việc phân loại trường ĐH để quy định thẩm quyền quyết định thành lập. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Nhân và ông Đào Trọng Thi, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, đều đề nghị với những trường ĐH Chính phủ phải đầu tư đặc biệt thì nên theo quy trình ba bước, trong đó Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chủ trương. Còn các trường ĐH khác chỉ cần hai bước, trao toàn bộ trách nhiệm cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Ràng buộc trách nhiệm người soạn SGK
Ủy ban Văn hóa – giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nhận định: vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay là việc xây dựng chương trình – SGK còn hạn chế, bất cập, chưa tạo được sự tin tưởng, đồng thuận trong cộng đồng chuyên môn và xã hội. Luật giáo dục cũng chưa có quy định cụ thể, chặt chẽ đối với các chương trình giáo dục và tiêu chuẩn về SGK, quy trình biên soạn, thẩm định và phê duyệt chương trình giáo dục – SGK.
Theo ông Đào Trọng Thi, cần phải quy định trong luật tiêu chuẩn về chương trình giáo dục – SGK và giao bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định chặt chẽ quy trình xây dựng chương trình – SGK, quy chế tổ chức hoạt động của bộ phận xây dựng chương trình – SGK, hội đồng thẩm định quốc gia kèm theo tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự tham gia. Cùng với đó là việc quy định chế tài xử lý trách nhiệm, nhất là đối với người đứng đầu khi để xảy ra sai sót.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đề nghị trên đã được thể hiện ở nhiều văn bản dưới luật nên nội dung bổ sung vào dự thảo luật chỉ nên quy định chung là phù hợp. Bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, bày tỏ quan điểm: “Vấn đề chương trình – SGK hiện nay vẫn là vấn đề nóng, gây nhiều bức xúc cho dư luận xã hội. Vì vậy, việc bổ sung các quy định ràng buộc chặt chẽ hơn quyền hạn, trách nhiệm của những người tham gia xây dựng chương trình – SGK là cần thiết”. Theo bà Mai, Bộ GD-ĐT nên tiếp tục nghiên cứu hướng thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK” vì đây là quan điểm tiến bộ, rất nhiều nước phát triển đang áp dụng.
Miễn học phí cho sinh viên sư phạm
Hầu hết các ý kiến tại phiên họp đề nghị giữ nguyên quy định miễn học phí đối với SV các trường sư phạm. Ông Nguyễn Văn Thuận, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật,  khẳng định: “Miễn học phí là một chính sách tốt đẹp, thể hiện quan điểm giáo dục là quốc sách, quan tâm đến việc đào tạo ra người thầy”.
Phân tích sâu về vấn đề này, ông Trần Thế Vượng cho rằng có sự khác biệt giữa chính sách ưu đãi tín dụng đối với HS-SV nói chung để trang trải học phí, sinh hoạt phí và chính sách miễn học phí đối với riêng SV sư phạm. Nếu điều chỉnh quy định theo hướng SV sư phạm không phải trả tiền vay tín dụng nếu sau khi tốt nghiệp “làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân” thì cần phải xem xét lại việc “đào tạo gắn với nhu cầu” để tránh tình trạng SV ra trường muốn gắn bó với giáo dục nhưng không xin được việc.
Bà Trương Thị Mai đề nghị Bộ GD-ĐT cần công bố con số SV ra trường có bao nhiêu phần trăm làm trong ngành giáo dục, bao nhiêu làm công việc khác, kể từ khi áp dụng chính sách miễn học phí. Như vậy mới có cơ sở để điều chỉnh quy định trên.

Cần định danh khoản thu trong trường học

Theo Ủy ban Văn hóa – giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, hiện nay còn có sự nhầm lẫn về nhận thức và vận dụng giữa học phí, phí dịch vụ và tiền đóng góp các loại quỹ trong nhà trường dẫn đến tình trạng thu tùy tiện ở một số cơ sở giáo dục, gây bức xúc, thắc mắc trong nhân dân. Vì vậy đề nghị quy định rõ hơn trong luật về khái niệm học phí và đề nghị cân nhắc quy định rõ “ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng một khoản tiền nào khác”.

Một số ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị quy định về các nguồn đầu tư tài chính cho giáo dục cần có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn, tránh việc các cơ sở giáo dục lách luật để thu tiền tùy tiện của dân.
TRỊNH VĨNH HÀ (TTO)

Bình luận (0)