1. Đề kiểm tra, đề thi môn ngữ văn thực chất là một bài tập, có thể diễn đạt dưới dạng câu hỏi hay nêu vấn đề đều được. Miễn là đọc đề xong, người viết biết đề thi yêu cầu mình làm gì. Còn làm như thế nào thì phụ thuộc vào năng lực của mỗi học sinh. Từ trước đến nay, làm văn/tập làm văn phân loại theo phương thức biểu đạt nên có các kiểu bài: kể chuyện (tự sự), miêu tả, biểu cảm, nghị luận và hành chính công vụ. Chương trình năm 2006 thêm văn thuyết minh. Văn nghị luận lại chia ra nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Cả 2 đều sử dụng các thao tác: giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận, so sánh, bác bỏ. Đề thi môn ngữ văn vì thế thường gắn với các lệnh về kiểu bài như: hãy kể lại, tả lại, phát biểu cảm nghĩ… Với văn nghị luận, lệnh thường gắn với thao tác như: hãy chứng minh (làm sáng tỏ); hãy giải thích, bình luận… Cũng có khi lệnh nêu yêu cầu 2-3 thao tác như hãy giải thích và bình luận; hãy phân tích và làm sáng tỏ… Nhiều đề bỏ hẳn các lệnh ấy, nhất là dạng đề mở.
2. Càng ngày người ta càng nhận ra sự bất hợp lý trong các lệnh của đề văn truyền thống. Vì khó có bài văn nào chỉ sử dụng 1 phương thức hay 1 thao tác nghị luận độc lập mà bao giờ cũng phải kết hợp các phương thức, các thao tác. Thành ra dù trong dạy học vẫn tách từng kiểu bài, thao tác để học sinh nhận biết, nhưng khi thực hành viết và kiểm tra, đánh giá, học sinh thường phải vận dụng tổng hợp các kiểu bài và thao tác. Kết quả là, đề thi môn ngữ văn nhìn chung có 2 dạng: đề hạn chế (đề đóng) và đề tự do (đề mở). Đề hạn chế nêu rất rõ yêu cầu về kiểu bài hoặc thao tác nghị luận thì không nói làm gì. Nhưng rất nhiều đề có các lệnh như: “Hãy nêu cảm nhận”, “Có suy nghĩ gì”… hoặc “Ý kiến của anh, chị”…, và nhất là với đề mở (chẳng có lệnh gì), chẳng hạn: “Ngọn lửa nhỏ”, “Một chuyến đi đáng nhớ” hoặc “Sức hấp dẫn của bài thơ Tây Tiến”, “Nhân vật Thị Nở”… Với những đề như thế thì học sinh phải làm thế nào? Trong trường các em chỉ được học cách làm bài kể chuyện, miêu tả, biểu cảm…; cách làm bài giải thích, phân tích, bình luận… Chương trình, sách giáo khoa không có bài dạy học sinh cách làm bài “cảm nhận” hay bài “nêu ý kiến”; cũng chưa có bài dạy cách làm loại đề mở, không có lệnh… Chính vì thế các thầy cô giáo cần dạy cho học sinh cách làm các dạng đề này. Thực chất là dạy học sinh biết phân tích đề để nhận ra đó là kiểu bài nào, phải vận dụng thao tác gì. Chẳng hạn, nếu đề nêu lệnh: “Anh/chị hãy phát biểu suy nghĩ” thì thực chất là thuộc văn nghị luận và phải vận dụng các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận… Nếu đề mở chỉ nêu đề tài, ví dụ: “Ngọn lửa nhỏ” thì đầu tiên phải tìm hiểu để biết bản thân định viết theo kiểu bài nào: Kể chuyện hay miêu tả về ngọn lửa nhỏ? Thuyết minh hay biểu cảm về ngọn lửa nhỏ? Cũng có thể viết bài nghị luận về ngọn lửa nhỏ?… Từ mỗi kiểu bài mới dạy cách triển khai ý, tổ chức bài viết và sử dụng ngôn ngữ… sao cho phù hợp.
Ra “lệnh” trong đề môn ngữ văn là rất quan trọng, vì thế cần thận trọng. Ra xong cần giải ngay để còn chỉnh lý đề. Nhiều khi là “người ra lệnh” nhưng chính mình lại không giải được.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)