Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ra mắt Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sáng 17-8, Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 16 mở rộng. Ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM chủ trì hội nghị.


Ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, ông Lê Thanh Liêm – Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM đã công bố quyết định thành lập và ra mắt Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực TP.HCM.

Theo đó, Trưởng Ban là Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Các phó trưởng ban gồm: bà Nguyễn Thị Lệ – Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Lê Thanh Liêm – Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM; ông Dương Ngọc Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Phước Lộc – Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM; ông Lê Hồng Nam – Giám đốc Công an TPHCM.

Các ủy viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM gồm: ông Phan Nguyễn Như Khuê – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Văn Nam – Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM; Trần Kim Yến – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM; ông Nguyễn Mạnh Cường – Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM; ông Lê Thanh Phong – Chánh án TAND TP.HCM; ông Đặng Minh Đạt – Chánh Thanh tra TP.HCM; ông Đỗ Mạnh Bổng – Viện trưởng Viện KSND TP.HCM; ông Huỳnh Văn Hạnh – Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM và ông Võ Văn Quận – Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM.

Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.


Ra mắt Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực TP.HCM

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, việc công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực TP.HCM tại hội nghị không chỉ ra mắt Ban mà còn nhằm khẳng định trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM về quyết tâm đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII; nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Đồng thời cũng để cho hệ thống chính trị và nhân dân hiểu, tiếp tục quan tâm, theo dõi, ủng hộ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Đảng bộ TP.HCM.

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ thường xuyên và rất quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của hệ thống chính trị. Đồng thời, cũng là thử thách đối với ban chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ và từng đồng chí được phân công. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng cơ quan, tổ chức nào mà là nhiệm vụ của toàn đảng bộ, hệ thống chính trị TP, của các ngành, các cấp, của mỗi cán bộ Đảng viên, trước hết là Ban chấp hành Đảng bộ TP.

Ban cũng rất cần sự đồng tình, ủng hộ và giám sát của nhân dân. Đây là công việc thường xuyên, liên tục đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì bằng nhiều biện pháp đồng bộ từ chính trị, tư tưởng, tổ chức đến hành chính, kinh tế và pháp luật.

Từ thực tiễn này, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền từ TP đến cơ sở nhận thức sâu sắc yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong giai đoạn mới, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt là quán triệt thực hiện các kết luận, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, và các văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong phòng chống tham nhũng tiêu cực phải gắn kết chặt chẽ giữa xây và chống, trong đó xây là chính. Trước hết phải quan tâm, chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy chế, quy định, nhằm chủ động phòng ngừa, khắc phục các nguyên nhân, điều kiện xảy ra tham nhũng và tiêu cực, nhất là ở những lĩnh vực quan trọng, lĩnh vực mà cơ quan, đơn vị, vị trí công tác có nhiều nguy cơ có rủi ro cao. Phải gắn công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực với lãnh đạo, tổ chức thực hiện Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Một trong những nội dung trọng tâm của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trong đó có một mục tiêu cần phải hướng tới là xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm cho mỗi người ý thức sâu sắc về nhân cách, lẽ sống của mình; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đẩy lùi lối sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, nhất là tệ quan liêu, xa dân, phiền hà, nhũng nhiễu, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của Nhân dân. Ngăn chặn sự sa sút về ý chí chiến đấu, không thực hiện đúng các nguyên tắc Đảng; thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thiếu trách nhiệm, tâm huyết, tiêu cực, né tránh, ngại khó, ngại khổ.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ có thể thành công khi bảo đảm sự công khai, minh bạch, dựa vào nhân dân và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, xuyên tạc, hãm hại người tốt. “Tôi đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy, các ngành, các cấp, các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng dư luận, làm cho Nhân dân và cộng đồng xã hội hiểu đúng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thay đổi quan điểm, thái độ của người dân từ chỗ chỉ quan tâm đến việc thi hành kỷ luật cán bộ thoái hóa, biến chất, chuyển sang đồng hành với Đảng, chính quyền. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, sử dụng hiệu quả công cụ truyền thông và sự giám sát của Nhân dân để giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự soi, tự sửa, không thể, không dám và không muốn tham nhũng, tiêu cực; đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sai phạm là đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực” – ông Nên cho biết.


Quang cảnh hội nghị

Với chức năng giúp Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc phức tạp xảy ra trên địa bàn TP, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo khẩn trương xây dựng kế hoạch hoạt động, bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác đã được Ban Bí thư quy định. Quan tâm chỉ đạo đồng bộ cả công tác phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tiêu cực. Tập trung giúp Thành ủy chỉ đạo xử lý nghiêm những vụ án, vụ việc tồn đọng phức tạp và những vụ án, vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của Đảng, phẩm chất đạo đức và vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, gây tổn hại đến niềm tin của Nhân dân.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cần sớm chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác theo nhiệm vụ được phân công. Điều quan trọng nhất là làm đúng vai trò, chức trách của mình, công minh, chính trực, không nể nang, né tránh, ngại va chạm, đặc biệt phải giữ đúng nguyên tắc hoạt động, tôn trọng và không làm cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân công theo dõi chỉ đạo. “Với sự tín nhiệm của tập thể ban Thường vụ Thành ủy, tôi thật sự tin tưởng ý thức trách nhiệm của các đồng chí và chúc các đồng chí thành công với vai trò, trọng trách mới được giao”, ông Nguyễn Văn Nên cho hay.

Hội nghị lần thứ 16 mở rộng không chỉ công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP, mà còn thực hiện quy trình công tác cán bộ; thảo luận nội dung tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)