Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ra mắt sách “Đoàn Văn công Giải phóng R – Một dấu ấn lịch sử”

Tạp Chí Giáo Dục

Ra mắt sách “Đoàn Văn công Giải phóng R – Một dấu ấn lịch sử” - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 Ra mắt sách “Đoàn Văn công Giải phóng R – Một dấu ấn lịch sử” Audio

Sáng 5-6, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức chương trình ra mắt sách “Đoàn Văn công Giải phóng R – Một dấu ấn lịch sử”.

Sự kiện nhằm chào mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 114 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đồng thời tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật TP.HCM sau ngày đất nước thống nhất.

Nhà văn, nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc chia sẻ về cuốn sách

Đây cũng dịp tôn vinh những cống hiến không ngừng nghỉ của đội ngũ văn nghệ sĩ Đoàn Văn công Giải phóng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Dự buổi lễ ông Nguyễn Thọ Truyền – Phó Trưởng ban Tuyên giáo – Dân vận Thành ủy TP.HCM; NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM; ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP…

Cuốn sách “Đoàn Văn công Giải phóng R – Một dấu ấn lịch sử” do nhà văn, nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc biên soạn, được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành.

Cuốn sách chứa đựng những giá trị sâu sắc về tinh thần yêu nước, sự hy sinh và niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng của những người đã biến lời ca, điệu múa thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng.

Nội dung sách gồm 3 phần: Phần thứ nhất: Vai sát vai chung một bóng cờ (Bối cảnh và lịch sử hình thành Đoàn Văn công Giải phóng R). Phần thứ hai: Chân dung tài hoa ngược dòng thác lũ (Hồi ký của các văn, nghệ sĩ thuộc Đoàn Văn công Giải phóng R). Phần thứ ba: Duyên này thì giữ vật này của chung (Bao gồm 50 ca khúc cách mạng ra đời trong thời kỳ này và những lá thư từ tuyến đầu Tổ quốc).

NSND Trọng Phúc thể hiện bài hát do văn nghệ sĩ Đoàn Văn công Giải phóng R sáng tác

Giữa những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoàn Văn công Giải phóng (thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam) ra đời.

Dù chỉ hoạt động gần 15 năm kể từ khi thành lập (năm 1961), Đoàn Văn công Giải phóng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình góp phần quan trọng trong chiến thắng vinh quang của dân tộc, là minh chứng tiêu biểu cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật cách mạng miền Nam và nghệ thuật giai đoạn hiện nay.

Bằng bản lĩnh kiên cường, nhiệt huyết, không ngại gian khổ, hy sinh, Đoàn Văn công Giải phóng nhanh chóng phát triển, thu hút được nhiều thanh, thiếu niên ưu tú, có năng khiếu văn nghệ. “Vượt qua khói bom và hát trong lửa đạn” đội ngũ Đoàn Văn công Giải phóng vừa là nghệ sĩ, vừa là chiến sĩ; sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, cống hiến hết mình.

Nhiều người đã ngã xuống gửi lại tuổi thanh xuân trên các chặng đường chống Mỹ nhưng tiếng hát, lời thơ, điệu múa của người chiến sĩ văn công giải phóng vẫn vang vọng mãi trong lòng những thế hệ tiếp nối.

Lịch sử của đoàn đã ghi dấu ấn đậm nét của các nhạc sĩ, nghệ sĩ như: Phạm Minh Tuấn, Vĩnh Bảo, Thế Hải, Trần Mùi, Phan Thao, Hồ Bông, Thanh Trúc, Phan Miêng, Hoài Mai, Hoàng Việt, Thanh Nha, Mười Đờn, Thanh Hiền, Phạm Ngọc Truyền, Ngọc Cung, Ngô Y Linh, Thái Ly, Tô Lan Phương, Minh Nguyệt, Phi Yến…

Diện mạo cuốn sách “Đoàn Văn công Giải phóng R – Một dấu ấn lịch sử”

Từ thực tiễn chiến trường sôi động, những tác phẩm đầu tiên của “nền văn nghệ sinh ra từ trong máu lửa” đã ra đời. Có thể kể như bài hát “Qua sông”, “Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn”, “Câu hát Bông Sen”, “Người sống mãi trong lòng miền Nam”, “Đâu có giặc là ta cứ đi”…

Các đơn vị không chỉ kế thừa tinh thần nghệ thuật cách mạng mà còn tiếp tục sáng tạo, mang hơi thở của thời đại mới vào từng tác phẩm, góp phần đưa nền nghệ thuật nước nhà phát triển lên một tầm cao mới.

Trong khuôn khổ chương trình, ban tổ chức thực hiện triển lãm chuyên đề “Đoàn Văn công Giải phóng R – Một dấu ấn lịch sử” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TP.HCM). Triển lãm giới thiệu 110 tư liệu, hình ảnh quý về hoạt động của Đoàn Văn công Giải phóng R. Nội dung gồm ba phần: Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hóa, nghệ thuật; Vai sát vai chung một bóng cờ và Chân dung tài hoa ngược dòng thác lũ.

Bên cạnh khu vực trưng bày tư liệu, hình ảnh, triển lãm còn tái hiện sống động không gian sinh hoạt của các nghệ sĩ ở chiến khu R, thông qua các tiểu cảnh như: đường hầm dã chiến, nhà lá trung quân, máy may quân trang và cờ giải phóng, khoai mì buổi sáng…

Hồ Trinh

Bình luận (0)