Công ty khởi nghiệp về công nghệ thực phẩm Plantish của Israel đang thực hiện sứ mệnh giải cứu đại dương thông qua việc phát triển thịt cá nhân tạo.
Plantish hôm 13/1 đã công bố món "thịt thăn cá hồi thuần chay" bắt chước hình thức, kết cấu và mùi vị của cá thật. Nó được làm từ bột đậu, kết hợp với dầu tảo và một số chất kết dính khác.
Sản phẩm cũng cung cấp protein, Omega-3, Omega-6 và vitamin B, nhưng không chứa thủy ngân, kích thích tố và vi nhựa có thể có trong cá hồi đại dương.
Công ty khởi nghiệp của Israel đang hợp tác với đầu bếp nổi tiếng Jose Andres để phục vụ món cá hồi nhân tạo của họ tại một số nhà hàng chọn lọc trong năm nay và hướng đến tung ra thị trường tạp hóa vào năm 2024.
Món thịt cá hồi nhân tạo từ thực vật của công ty Plantish.
"Plantish được thành lập để cứu các đại dương, bằng cách giảm nhu cầu tiêu thụ động vật biển thông qua việc cung cấp các lựa chọn thay thế bến vững, bổ dưỡng và ngon hơn. Tầm nhìn của chúng tôi là trở thành thương hiệu thủy sản nhân tạo hàng đầu thế giới", Giám đốc điều hành Ofek Ron nhấn mạnh.
Plantish tạo ra thịt thăn cá hồi thuần chay bằng công nghệ in 3D, một phương pháp được sử dụng phổ biến cho các loại thực phẩm nhân tạo có nguồn gốc từ thực vật. Nó cho phép tạo ra miếng thịt thăn với các thớ mô phỏng kết cấu của thực phẩm thật.
Theo IMARC Group, công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, thị trường thủy sản hiện nay trị giá khoảng 586 tỷ USD, trong đó cá hồi chiếm 50 tỷ USD. Việc khai thác quá mức đang đe dọa hệ sinh thái đại dương, đẩy một số loài tới bờ vực tuyệt chủng.
Ô nhiễm môi trường cũng đang khiến hải sản bị nhiễm độc. Một nghiên cứu vào năm 2020 do Đại học Exeter của Anh và Đại học Queensland của Australia dẫn đầu cho thấy vi nhựa hiện diện trong tất cả các mẫu hải sản được mua ở chợ, bao gồm cả cá, tôm, cua, mực và hàu, trong đó cá mòi bị ảnh hưởng nặng nhất với hàm lượng vi nhựa lên tới 30 mg, tương đương một hạt gạo, trên mỗi khẩu phần ăn.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)