Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ra mắt Thư viện số Nguyễn An Ninh

Tạp Chí Giáo Dục

Thư viện số Nguyễn An Ninh, số hóa ít nhất 100 tựa sách như: "Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ"; "Nguyễn An Ninh – Nhà tư tưởng tiêu biểu đầu thế kỷ XX ở Nam Bộ"; "Nghiên cứu, giảng dạy văn học và GS, NGND Hoàng Như Mai"; "Na Phất Na – Kinh đô đầu tiên và cuối cùng của Vương quốc Phù Nam"…

Nhân ngày Chuyển đổi số Việt Nam (10-10), tại Đường sách TP HCM – "Thư viện số Nguyễn An Ninh – Chuyên đề Nam Bộ" đã ra mắt công chúng. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia, do Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM phối hợp Quỹ Hoa Sen và Đường sách TP HCM tổ chức.

Sử dụng mọi lúc, mọi nơi

Chương trình được mở đầu bằng hoạt cảnh hình thể "Đất phương Nam", chuyển tải hình ảnh về vùng đất và con người Nam Bộ vừa quen thuộc nhưng còn nhiều điều mới lạ. Ngoài tiết mục "Đất phương Nam" của Saigon Theatreland còn có tiết mục minh họa về nghệ thuật dân gian Nam Bộ của CLB Giai điệu phương Nam, trải nghiệm cosplay trang phục cưới truyền thống đậm chất Nam Bộ xưa với nhóm Đại Nam hội quán hay tìm hiểu các vật phẩm về Nam Bộ của nhóm Vang vọng trống chầu. Tất cả tiết mục biểu diễn này ghi đậm thêm dấu ấn Nam Bộ trong ngày "Thư viện số Nguyễn An Ninh – Chuyên đề Nam Bộ" chính thức đi vào hoạt động.

Ra mắt Thư viện số Nguyễn An Ninh - Ảnh 1.

Một số đầu sách về chuyển đổi số ra mắt nhân ngày Chuyển đổi số Việt Nam (10-10). Ảnh do NXB Trẻ cung cấp

"Thư viện số Nguyễn An Ninh – Chuyên đề Nam Bộ" được phát triển từ dự án Thư viện "vật lý" Nguyễn An Ninh – Chuyên đề Nam Bộ, một trong những dự án của Quỹ Hoa Sen. Đây là quỹ phi lợi nhuận, do nhóm thân hữu hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa thành lập theo Quyết định của UBND TP HCM ngày 28-12-2016. Thư viện sẽ kết nối, hợp tác khai thác, chia sẻ nguồn dữ liệu số liên quan đến chủ đề về vùng đất phương Nam ở Thư viện Quốc gia, thư viện tỉnh, thành, thư viện các trường đại học trong nước, thư viện nước ngoài, các thư viện cộng đồng và tư nhân.

Theo các nhà chuyên môn, Thư viện số Nguyễn An Ninh rất thuận tiện cho người dùng khi có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi với khối lượng sách khổng lồ. Quỹ Hoa Sen sẽ xúc tiến trao đổi bản quyền với các tác giả, nhà biên kịch, hãng phim, đài truyền hình về các sách, kịch bản phim, phim tài liệu, phim truyện về Nam Bộ… để đưa vào thư viện số. Đồng thời mở rộng hệ sinh thái Thư viện số Nguyễn An Ninh trong phạm vi 23 tỉnh, thành phía Nam. Từ tháng 10-2024 đến 10-2025, Thư viện số Nguyễn An Ninh sẽ phục vụ mở rộng tài liệu số, tổ chức các hoạt động khuyến đọc, khai thác chuyên sâu, thương lượng bản quyền nguồn tư liệu số…

"Sống sao trong thời đại số"

Nhân ngày Chuyển đối số Việt Nam, NXB Trẻ đã ra mắt các tựa sách mang tính ứng dụng cao như: "Sống sao trong thời đại số", "Chuyển đổi số – 6 câu hỏi giúp bạn xây dựng doanh nghiệp thế hệ mới", "Những đối thủ châu Á – Marketing để cạnh tranh trong kỷ nguyên tiêu dùng số"… Để đồng hành sâu sát hơn với cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức trong xu hướng chuyển đổi số, dịp này, NXB Trẻ chính thức công bố logo của Tủ sách Chuyển đổi số – đưa tủ sách này thành một trong những tủ sách quan trọng và phát triển lâu dài.

Một số đầu sách liên quan đến chuyển đổi số được ra mắt dịp này thu hút sự chú ý của độc giả như "Thời đại AI và tương lai loài người chúng ta" – được viết bởi Herry A. Kissinger (cựu Ngoại trưởng Mỹ), Eric Schmidt (cựu CEO và Chủ tịch Google), Daniel Huttenlocher (trưởng khoa tại Trường MIT), giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để trả lời. Hay "Bứt phá thời số hóa – Bảy khối kiến tạo chuyển đổi số thành công" của Nitin Seth là cẩm nang có tính định hướng cao cho cá nhân và tổ chức đang sống trong thời đại số. Còn "ChatGPT cho doanh nghiệp" là một hướng dẫn cơ bản dành cho các cá nhân và doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm những nhà khởi nghiệp, những người đang tìm kiếm một lợi thế để mở rộng kinh doanh nhanh hơn và linh hoạt hơn. ChatGPT là một công nghệ đột phá mới, cho người dùng quyền truy cập đến đầy đủ các bộ phận của tổ chức, bao gồm tài chính, phát triển sản phẩm, vận hành, tiếp thị và bán hàng và dịch vụ khách hàng, mà không mất thêm chi phí của người dùng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; đồng thời các doanh nghiệp từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp số.
Theo Thùy Trang/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)