Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ra mắt trung tâm đào tạo điện tử quốc tế đầu tiên tại Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 25-3, TP.HCM đã ra mắt Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế – IETC. Đây là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam đào tạo điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế, do Trung tâm Đào tạo Khu công nghệ cao phối hợp với Công ty Sun Electronic xây dựng.


Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại lễ ra mắt

Tham dự có các đồng chí: Nguyên Phó Thủ tướng Chính Phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi…

Phát biểu tại lễ ra mắt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt thông tin, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn luôn là định hướng ưu tiên của Việt Nam trong thời gian qua. Bộ KH&CN đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách và hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên đầu tư và phát triển sản phẩm công nghệ cao, trong đó có các sản phẩm vi mạch điện tử và chip bán dẫn. Đồng thời, Bộ cũng đã phối hợp với các bộ ngành bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, bao gồm các dự án sản xuất chip…


Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tai lễ ra mắt

Song song đó, nhiều năm qua Bộ cũng đã phê duyệt triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, chương trình khoa học và công nghệ quốc gia. Qua các nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, đội ngũ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật của Việt Nam đã từng bước nâng cao năng lực, làm chủ được một số công nghệ lĩnh vực này.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hệ sinh thái về nghiên cứu thiết kế vi mạch, ứng dụng vi mạch tại Việt Nam đã từng bước được hình thành. TP.HCM tiếp tục khẳng định vị thế là địa phương tiên phong về phát triển công nghệ cao và các sản phẩm công nghệ cao, trong đó có sản phẩm của công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn. Thời gian tới, Bộ KH&CN tiếp tục nghiên cứu chủ trương để cụ thể hóa, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Kh&CN cho biết, hiện nay với sự chủ trì, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ KH&CN đang tích cực phối hợp tổng kết 10 năm thực hiện NQ số 20 của Hội nghị TW 6 (khó XI) năm 2012 về phát triển KH&CN. Bộ cũng đã trình Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội dự án sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN năm 2013. Đây là chủ trương, pháp luật quan trọng trong việc định hướng phát triển hoạt động của ngành khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.


TP.HCM ra mắt trung tâm điện tử quốc tế đầu tiên tại Việt Nam

“Bộ KH&CN mong muốn, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và vị thế là trung tâm kinh tế xã hội, KH&CN của cả nước, TP.HCM tiếp tục đóng góp, cung cấp các luận cứ cho việc hoàn thiện các chủ trương, thể chế, cơ chế chính sách nói trên, nhất là với lĩnh vực phát triển công nghệ cao, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đề nghị Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM tiếp tục triển khai có hiệu quả việc hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN để thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn. Bộ sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao tiềm lực, năng lực của tổ chức, doanh nghiệp, nàh nghiên cứu… trong lĩnh vực này” – Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị.

Công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn là ưu tiên tập trung phát triển của TP.HCM

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, với vị trí, điều kiện, TP.HCM xác định công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn là một ưu tiên tập trung phát triển trong thời gian tới. Thành phố chọn cách tiếp cận đột phá đó là đi thẳng vào thiết kế, thiết kế sản phẩm, thiết kế chip… và đã có sự chuẩn bị cả về thể chế, cơ chế chính sách, cơ sở vật chất, nhân lực cùng các điều kiện khác.

Ông đánh giá cao vai trò của đội ngũ các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài sẽ quay trở lại hợp tác, cùng phát triển. Tới đây, UBND TP.HCM sẽ nghiên cứu có cơ chế chính sách hỗ trợ trung tâm trong thời gian tới, như chương trình học bổng, tạo diều kiện cho trung tâm hoạt động có hiệu quả.


Các đại biểu tham quan Trung tâm

“TP.HCM đang đề nghị Quốc hội có Nghị quyết về cơ chế đột phá phát triển TP.HCM, trong đó có những nội dung cơ chế chính sách liên quan tới phát triển doanh nghiệp điện tử vi mạch bán dẫn, hoạt động khoa học công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Dự kiến tháng 5 này, Quốc hội sẽ bàn và thông qua gói Nghị quyết, sẽ mở đường cho TP.HCM phát triển các hoạt động này” – Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin.

Về cơ sở vẩt chất, lãnh đạo TP.HCM cho hay, hiện nay thành phố có khu công nghệ cao và một số cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động liên quan. Trong thời gian tới, thành phố sẽ phát triển giai đoạn 2 của khu công nghệ cao cũng như phát triển thêm nhiều cơ sở vật chất khác để có điều kiện về cơ sở vật chất phát triển ngành. Cạnh đó, thành phố cũng đang rà soát lại để có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này, kể cả ươm tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

“TP.HCM có một kế hoạch đào tạo nhân lực trình độ quốc tế cho 8 ngành chủ lực của thành phố, trong đó có nhiều ngành liên quan đến lĩnh vực này. Trong hợp tác giữa UBND TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM thì thành phố xác lập khuôn mẫu đào tạo nhân lực cho phát trển chung của thành phố, trong đó có liên quan nhiều đến công nghiệp điện tử. 60 trường đại học trên địa bàn thành phố cũng sẽ góp phần. Tuy nhiên mô hình đào tạo nghiên cứu, cách tiếp cận như trung tâm IETC là quan trọng, nên có sự kết nối giữa trung tâm với các cơ sở đào tạo tại TP.HCM để chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận dần, làm sao chất lượng, hiệu quả đào tạo được tốt nhất” – ông Phan Văn Mãi đề nghị.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng mong ở tầm quốc gia, nên sớm có chính sách quốc gia trong đó cho phép thành phố được thí điểm cao nhất, để làm sao TP.HCM tham gia cùng với Việt Nam xây dựng trung tâm công nghệp điện tử, vi mạch bán dẫn như mục tiêu quốc gia đề ra….

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)