Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ra mắt và triển khai tiêm vắc xin phòng viêm màng não mô cầu nhóm B thế hệ mới

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 23-2-2024, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cùng Tập đoàn dược phẩm GSK (Anh) chính thức ra mắt và triển khai tiêm vắc xin thế hệ mới phòng viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu nhóm B (Neisseria meningitidis B) gây ra.


Lần đầu tiên tại Việt Nam người dân được tiêm vắc xin não mô cầu nhóm B thế hệ mới 2

Sau gần 40 năm kể từ khi vắc xin phòng viêm màng não mô cầu nhóm B, C (Cuba) ra đời trên thế giới và đưa vào sử dụng nhiều năm, đây là lần đầu tiên Việt Nam mới có thêm một loại vắc xin phòng viêm màng não mô cầu nhóm B tương tự, được sản xuất theo công nghệ mới, tăng cao hiệu quả bảo vệ và độ an toàn khi sử dụng.

Theo bà Vũ Thị Thu Hà – Giám đốc Cung ứng của Hệ thống tiêm chủng VNVC, vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm B thế hệ mới do GSK sản xuất tại Ý. Vắc xin hiện đã có mặt tại 165 trung tâm VNVC trên toàn quốc.

“Ngay trong ngày 23-2, VNVC đã triển khai tiêm vắc xin này cho hàng nghìn trẻ em và người lớn trên toàn quốc, điều này đặc biệt có ý nghĩa khi loại vắc xin phòng viêm màng não mô cầu B, C của Cuba đã ở trong tình trạng khan hiếm khá lâu trên thị trường khiến nhiều trẻ em chưa được tiêm vắc xin này theo phác đồ”, bà Hà chia sẻ.

Tại lễ ra mắt, bà Elena De Angelis – Giám đốc Y khoa Quốc gia, Công ty GSK Việt Nam cho biết, loại vắc xin mới này được đưa vào sử dụng tại Việt Nam kỳ vọng giảm thiểu tác động tàn khốc của bệnh viêm màng não do não mô cầu, đặt mục tiêu bảo vệ hơn một triệu trẻ sơ sinh Việt Nam khỏi căn bệnh này bằng vắc xin trong 5 năm tới.

Theo bà Elena De Angelis, có tới 1 trong 6 người mắc bệnh viêm màng não do vi khuẩn tử vong và 1 trong 5 số người bị ảnh hưởng phải chịu hậu quả suốt đời. “Qua sự hợp tác với VNVC, chúng ta có thể cùng nhau bảo vệ con người khỏi các bệnh truyền nhiễm một cách hiệu quả”, bà Elena De Angelis nhấn mạnh.

Bệnh viêm màng não do não mô cầu (nhóm B) là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có thể gây tử vong chỉ trong 24 giờ từ khi phát bệnh hoặc gánh nặng tàn tật suốt đời cho người sống sót như đoạn chi, điếc, mù lòa, chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ… Bệnh còn nguy hiểm khi thường được phát hiện muộn, dễ nhầm lẫn trong chẩn đoán dẫn đến khó điều trị kịp thời. Trẻ càng nhỏ, các dấu hiệu càng khó nhận diện.

Bác sĩ Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp. Vi khuẩn tồn tại trong vùng hầu họng, mũi và lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết, nước bọt từ người mang mầm bệnh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê mỗi năm thế giới có khoảng 1,2 triệu ca mắc viêm màng não và 135.000 ca tử vong do vi khuẩn não mô cầu. Tại Việt Nam, theo thống kê từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, viêm màng não mô cầu có tỷ lệ mắc cao, lên đến khoảng 2,3/100.000 dân. Đây là một trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất nước, lên đến 0,03/100.000 dân.

Bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm khớp, viêm tai giữa, viêm màng ngoài tim… Trong đó viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết là hai bệnh thường gặp và diễn tiến đột ngột nhất, có thể dẫn tới tử vong chỉ trong vòng 24 giờ. Bệnh đặc trưng bởi các dấu hiệu như nôn vọt, cứng cổ, sợ ánh sáng, xuất hiện tử ban (nốt ban đỏ) hình sao… Tuy nhiên, các triệu chứng ban đầu của bệnh thường không rõ ràng và giống bệnh do virus thông thường như nhức đầu, đau họng, sốt, buồn nôn… khiến bệnh dễ bị chẩn đoán sai, tỷ lệ tử vong lên đến 50% nếu không điều trị.

Mặt khác, dù được điều trị kịp thời và tích cực, bệnh cũng có tỷ lệ tử vong cao, lên đến 15%. Có đến 20% bệnh nhân sống sót sau não mô cầu phải chịu nhiều di chứng về thể chất và tinh thần như cắt cụt chi, điếc, mù lòa, rối loạn tâm lý, thiểu năng trí tuệ…

Chưa kể, bệnh để lại gánh nặng lớn về tinh thần, kinh tế cho người bệnh và người thân trong gia đình. Tại Việt Nam, các ca bệnh viêm màng não mô cầu được điều trị cũng tốn chi phí hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng, chưa kể các chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc cho người có các di chứng sức khoẻ nặng sau này cũng vô cùng tốn kém. Tuổi càng nhỏ, chi phí điều trị và theo dõi các di chứng lâu dài càng lớn.

Vắc xin phòng viêm màng não mô cầu B thế hệ mới sản xuất theo công nghệ tiên tiến, phòng bệnh sớm cho trẻ từ 2 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ lên đến 94%. “Ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện và giảm nồng độ kháng thể bảo vệ từ mẹ dẫn đến khả năng diệt khuẩn thấp là nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn. Nhóm trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ mắc cao nhất so với các nhóm tuổi khác, đặc biệt là nhóm dưới 5 tháng tuổi. Việc tiêm sớm vắc xin cho trẻ ngay từ 2 tháng tuổi sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cũng như di chứng do não mô cầu nhóm B gây ra”, bác sĩ Chính phân tích.

N.Trinh

Bình luận (0)