Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ra ngõ là gặp “ổ dịch” sốt xuất huyết

Tạp Chí Giáo Dục

Người dân sống bên cạnh nguồn nước ô nhiễm nên khó tránh khỏi bệnh SXH do muỗi.  Ảnh: Mê TâmSáng 22-10, ông Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã làm việc với 12 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại 24 quận, huyện. Sau 22 ngày ra quân, 12 đoàn kiểm tra đã nhận diện được nơi phát sinh muỗi, lăng quăng và hầu như quận huyện nào cũng có những ổ dịch SXH đang hoành hành…

Ổ dịch… mọc khắp nơi!

Trước đây SXH chỉ tập trung ở một số quận ven và huyện ngoại thành nhưng từ năm 2007 đến nay, dịch bệnh trải đều tại 24 quận, huyện. Q.1 được coi là vệ sinh nhất nhưng phường nào cũng có hàng chục ca SXH phải nhập viện. Tại P.Tân Định, khi vào nhà một bệnh nhân SXH, đoàn kiểm tra phát hiện nước mưa trong máng xối trên mái nhà có khá nhiều lăng quăng. Ngay cả chủ nhà và các cán bộ y tế P. Tân Định cũng hoàn toàn bất ngờ về việc này. Không ai nghĩ rằng những giọt nước mưa đọng lại trong máng xối lại chính là nguyên nhân gây dịch SXH trên địa bàn.

Thật là khó hiểu khi công tác phòng chống dịch SXH được triển khai từ năm này qua năm khác, từ tháng này sang tháng khác nhưng số ca nhập viện năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Cả năm 2007, toàn thành phố có khoảng 7.000 ca SXH, trong khi đó hơn 9 tháng đầu năm 2008 đã có trên 9.300 ca.

Còn tại P.17, Q.Bình Thạnh, trong 10 ngày cuối tháng 9, đoàn kiểm tra ghi nhận có 3 ca SXH. Cả 3 bệnh nhân đều là sinh viên và cùng ở trọ trong một dãy nhà. Chủ nhà khăng khăng cho rằng những sinh viên này đem SXH từ trường về nhà trọ. Tuy nhiên, sau khi tìm kiếm quanh khu vực dãy nhà trọ, đoàn kiểm tra phát hiện trên mái nhà có một quả bóng nhựa bị bể. Khi lấy quả bóng xuống thì phát hiện trong đó có nước đọng và lăng quăng.

Tại P.Linh Trung (Thủ Đức), một trong những phường, xã xảy ra nhiều ca bệnh SXH nhất trên địa bàn TP.HCM. Tính từ tháng 6 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra hơn chục vụ SXH. Chị Thanh Tâm, nhà ở KP.3, Linh Trung lo lắng: “Vào đầu tháng 7-2008, đứa con đầu của tôi mắc bệnh đến nay còn chưa ổn định. Đầu tháng 10, đến lượt đứa con gái đầu của tôi hiện đang làm công nhân tại Công ty CP dệt Việt Thắng cũng bị mắc bệnh SXH”. P.Linh Trung là nơi cư trú của nhiều công nhân sinh sống, và nhiều trường học nhưng tình trạng dịch trên không hề suy giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Thầy Nguyễn Văn Cường, Hiệu trưởng Trường MN TT Hạnh Phúc lý giải: “Do trên địa bàn phường một số công nhân, và người dân thiếu ý thức, xả rác ra đường bừa bãi, khiến cho muỗi có chỗ sinh sống. Trước tình hình như vậy, nhà trường tổ chức quét dọn sạch xung quanh khu vực trường, thường xuyên xịt thuốc và theo dõi, báo cho phụ huynh cách phòng ngừa”. Anh Tuấn, người sống gần cầu Kênh Tán, KP.7, P.Linh Đông lắc đầu ngao ngán: “Làm sao mà không có dịch được hả anh, khi mà môi trường ô nhiễm vẫn còn tồn tại. Sát nhà tôi đã có người mắc bệnh SXH. Tôi rất lo lắng cho gia đình mình”. Dạo quanh khu vực cầu Bình Phú, Tam Phú; khu vực cầu Tám Tán, P.Linh Đông hay một số khu vực cận kề như: P.Phước Long B, P.Phước Long A Q.9… cảnh nhếch nhác rác và ao nước tù đọng quanh năm suốt tháng cứ nhan nhản trước mắt mọi người. Điều này cũng đồng nghĩa là việc bùng phát dịch bệnh SXH xảy ra chỉ là vấn đề thời gian.

Ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định: “Nếu chúng ta tém dẹp được các vật chứa nước thì sẽ giảm được 50-70% lăng quăng. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc hạ số ca SXH xuống 50-70%…”.

Trong khi đó, lăng quăng và muỗi ở P.Thủ Thiêm, Q.2 lại nằm trong những hộ gia đình thuộc diện giải tỏa. Mặc dù các hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng chưa di dời nên cuộc sống khá tạm bợ. Để có nước sinh hoạt, các hộ dân trữ nước trong lu, vại. Đây là môi trường sống lý tưởng của lăng quăng và muỗi.

Tại P.13, Q.6, phần lớn người dân sống bằng nghề làm ngó sen. Do đó trong mỗi gia đình đều có rất nhiều thau, xô chứa nước. Vì không có thói quen súc rửa vật chứa nước theo định kỳ nên trong các thau, xô đoàn kiểm tra cũng phát hiện lăng quăng.

Qua khảo sát từ nội thành ra ngoại thành, 12 đoàn kiểm tra nhận thấy tùy điều kiện sinh hoạt của người dân mà lăng quăng, muỗi có một môi trường sống khác nhau. Nếu như các phường: Phú Thạnh, Tân Thành (Q.Tân Phú) có nhiều khu đất trống, cỏ mọc um tùm, nước mưa đọng là môi trường sống của lăng quăng và muỗi, thì ở P.Hiệp Thành, Đông Hưng Thuận (Q.12); xã Trung An, Tân Thạnh Tây (Củ Chi)… thói quen vứt rác bừa bãi của người dân là điều kiện thuận lợi để muỗi, lăng quăng phát sinh. Trước đây, Củ Chi là nơi có số ca SXH tương đối thấp nhưng từ đầu tháng 9 đến nay bắt đầu tăng. Riêng xã Tân Thạnh Tây, tháng 9 có tới 8 ca, trong khi những tháng trước chỉ có 2-3 ca.

Dọc theo khu vực mé sông Vàm Thuật (P.5, Q.Gò Vấp) tập trung nhiều dân lao động tạm trú, nhất là lao động nghèo. Họ sống chủ yếu bằng công việc làm dừa, bào mía, công nhân trong các xưởng sản xuất, bán vé số… Một số người dân ở đây cho biết thời điểm sau những cơn mưa hay lúc nước lên, lượng muỗi rất nhiều. Những người dân khi có biểu hiện sốt thường không đi khám mà tự mua thuốc uống vì ngại tốn nhiều tiền và không có thời gian. Trừ trường hợp bệnh nặng quá mới đi bệnh viện. Vì vậy mà rất khó có thể xác định được biểu hiện sốt đó có phải sốt rét hay SXH không. Cô Huỳnh Thị Lâm (người dân sống ven khu vực sông Vàm Thuật, P.5, Q.Gò Vấp) cho biết: “Mấy ngày qua mưa nhiều, muỗi sản sinh rất nhanh và bay dày đặc vào lúc chạng vạng tối. Người dân trong khu vực rất sợ ngồi ăn uống bên ngoài vào lúc này vì sợ lũ muỗi… tấn công. Nhiều người mua bã mía, vỏ dừa về để hun khói xua muỗi”. Theo quan sát của chúng tôi, lượng rác thải sinh hoạt của người dân sống tại khu vực này đều thải ra sông, đây cũng là một nguyên nhân tăng thêm lượng muỗi trú ngụ và sinh sản.

Xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, tháng 8 có 6 ca, tháng 9 tăng lên 8 ca. Tất cả các ca bệnh đều nằm rải rác chứ không tập trung tại ấp nào. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện muỗi, lăng quăng sinh sống trong các lư hương ở những ngôi mộ gia đình.

Thiếu sự phối hợp giữa các ban ngành

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, nhà gần hố rác cạnh Bệnh viện Thủ Đức bức xúc: “Ngay giữa trung tâm khu dân cư, vừa gần bệnh viện nhưng lại mọc lên một hố rác có mùi hôi nồng nặc, nước chảy lênh láng ra đường. Đây có thể là một trong những ổ dịch bùng phát SXH, nhưng có thấy ai quan tâm vấn đề này đâu?”.

Qua hơn 20 ngày ra quân, các đoàn kiểm tra phát hiện công tác phòng chống dịch tại các quận, huyện phần lớn là… “sai bét”.

Về nguyên tắc chống dịch, khi có ca bệnh, ngoài việc phun thuốc cho hộ gia đình có người bệnh thì phải phun cho các hộ lân cận. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì các trạm y tế phường, xã chỉ phun tại hộ có ca bệnh. Do vậy, mỗi phường, xã chỉ cần một ca bệnh là sau một đến hai tuần đã tăng lên cả chục ca.

Tại xã Trung An (Củ Chi), nhiều người dân cho biết, khi hộ gia đình ông Nguyễn Văn K. có người bị bệnh. Trạm y tế xã xuống phun thuốc khu vực nhà ông K. nhưng không phun nhà bà L. bên cạnh. Chỉ hai ngày sau, nhà bà L. có người bệnh. Đến lúc này, trạm y tế mới vội vã xuống phun thuốc!

Xã Thới Tam Thôn (Hóc Môn) cũng vậy. Ngày 23-9, phát hiện nhà chị Huệ có con bị SXH phải nhập viện, trạm y tế xã xuống nhà phun thuốc. Song chỉ phun duy nhất nhà chị Huệ, còn mấy hộ gia đình lân cận thì không phun. Đến ngày 28-9, 2 hộ gia đình kế nhà chị Huệ đều có ca bệnh!

“Tôi đề nghị các cán bộ y tế phải xác định rõ công việc của mình. Qua đó tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương có kế hoạch dập dịch tại từng ổ dịch. Khi đi phun thuốc diệt muỗi, lăng quăng bắt buộc phải có chính quyền, tổ dân phố đi theo để vào tận nhà dân mà phun…” – ông Giang chỉ đạo.

Tình trạng này cũng xảy tại P.An Khánh (Q.2), các cán bộ y tế xác định phạm vi ổ dịch còn hạn chế nên để cho các ổ dịch nhỏ lan ra thành ổ dịch lớn. “Nóng” nhất vẫn là P.Linh Trung (Q.Thủ Đức), từ đầu tháng 9 đến nay, trung bình mỗi tuần có từ 7-16 ca SXH.

Mặc dù công tác phòng chống SXH là công việc của toàn dân, ngành y tế chỉ làm công tác tham mưu cho chính quyền là chính. Song, qua báo cáo của 12 đoàn kiểm tra cho thấy mạng lưới y tế phường, xã đã làm sai chức năng, nhiệm vụ. Chẳng hạn như ở Q.Gò Vấp, P.21, P.25 (Q.Bình Thạnh), P.Thủ Thiêm (Q.2), xã Tân Kiên (Bình Chánh), xã Trung An (Củ Chi), xã Thới Tam Thôn (Hóc Môn), P.1, P.10 (Q.5)… việc phối hợp giữa trạm y tế và chính quyền địa phương còn hạn chế nên hầu hết công tác chống dịch đều do trạm y tế tự làm. Theo đó mà hiệu quả cũng không cao, thuốc thì phun xịt đều đều nhưng ca bệnh thì mỗi ngày một tăng.

Nhóm PV


Bình luận (0)