Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Ra nước ngoài đón sinh viên “nội”

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu tháng 10 vừa qua, Tập  đoàn Intel đã sang Melbourne và Sydney để săn tìm nhân lực cho nhà máy mới tại Khu công nghệ cao TP. HCM. Các vị trí từ giám đốc, quản đốc đến hàng nghìn kỹ thuật viên lành nghề đang được Intel săn lùng ráo riết để đáp ứng con số 3.000 nhân sự cho nhà máy mới sẽ đưa vào hoạt động vào năm 2010. Phối hợp với Câu lạc bộ Sinh viên Việt Nam Quốc tế (ISC), Intel mong muốn tìm kiếm nguồn nhân lực là du học sinh Việt Nam sắp tốt nghiệp quay về nước làm việc cho mình. Intel cũng quan tâm đến việc “chào mời” các đối tượng du học sinh Việt Nam hiện đang làm việc tại nước ngoài trở về nước.

Intel đang “chào mời” du học sinh Việt Nam ở nước ngoài.

Cơ hội trở về Việt Nam hiện rất mở đối với du học sinh sắp tốt nghiệp. Tuy nhiên, khi trở lại làm việc tại Việt Nam, các bạn cũng cần chuẩn bị một số hành trang. Có hai cách để tiếp cận với công việc mà các du học sinh muốn làm tại Việt Nam: Trực tiếp bằng cách gọi điện thoại, gặp mặt phỏng vấn, nhờ người giới thiệu; Gián tiếp qua các trang mạng xin việc trên Internet, phỏng vấn trực tuyến.
Một cựu du học sinh Việt Nam, làm việc cho một công ty chuyên về xây dựng và tài chính được 3 năm sau khi tốt nghiệp Đại học Deakin (Australia) chuyên ngành Tiếp thị, giờ đang có ý định trở về quê hương làm việc đã tâm sự: “Do ở Australia quá lâu nên tôi không có nhiều mối quan hệ tại Việt Nam. Để chuẩn bị cho năm sau về nước làm việc, tôi đang trong quá trình liên hệ với các công ty trong nước và nộp hồ sơ xin việc”. Kinh nghiệm của bạn là phải xác định xem mình thích công việc gì, công ty nào và lên danh sách tên các công ty. Sau đó tìm hiểu thông tin về các công ty đó trên mạng Internet, rồi gọi điện đến công ty và liên hệ trực tiếp bộ phận nhân sự (HR) để tìm việc. 
Trường hợp khác là  một sinh viên khác mới đến Australia được gần hai năm, đang học học kỳ cuối chương trình cử nhân chuyên ngành Thương mại Quốc tế tại Đại học La Trobe theo chương trình 2+2 giữa Đại học Ngoại thương TP. HCM và Đại học La Trobe. Chuẩn bị về Việt Nam, việc đầu tiên bạn làm là liên hệ với bạn bè và thông tin về những kỹ năng cũng như thế mạnh mà mình có được. Bạn tự tin chia sẻ: “Trước khi sang Australia du học, tôi đã tham gia thực tập tại bộ phận nhân sự của một công ty nước ngoài. Vì vậy, tôi cũng nắm được các thông tin cơ bản về môi trường làm việc ở Việt Nam. Sau đó, tôi vẫn tiếp tục giữ liên lạc với những người quen trong quá trình thực tập để cập nhật tin tức về thị trường lao động Việt Nam”.
Với những du học sinh muốn tìm việc gián tiếp, việc thường xuyên tìm hiểu về thị trường lao động Việt Nam để cập nhật những yêu cầu của các công ty trong nước đối với công việc thuộc chuyên ngành đang học rất được chú trọng. Từ những thông tin này, các du học sinh chủ động “nâng cấp” mình để chuẩn bị cho ngày về.
Kinh nghiệm cho những người tìm hiểu công việc trực tuyến là khi bước vào học kỳ cuối ở xứ người cần bắt đầu “chiến dịch” săn việc qua các trang web việc làm như Vietnamwork. Ngoài việc liên hệ với các công ty tuyển dụng, nên tạo hẳn một hồ sơ cá nhân trực tuyến để “quảng cáo” bản thân. Lan, một du học sinh hiện học ngành Quản trị kinh doanh tại Anh kể lại: Trước khi kết thúc chương trình học khoảng một tháng, Lan đã nhận được công việc quản lý tại một công ty đa quốc gia ở TP. HCM. Toàn bộ quá trình phỏng vấn đều được bạn thực hiện trực tuyến và qua điện thoại.
Có thể thấy các công ty, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đang có xu hướng chào đón du học sinh làm việc chính thức cũng như thực tập tại Việt Nam. Luôn cập nhật thông tin về thị trường lao động Việt Nam, năng động liên hệ với các công ty trong nước, tự “PR” bản thân… là những gì mà các du học sinh Việt Nam chủ động thực hiện để chuẩn bị quay về nước làm việc.
TG&VN

Bình luận (0)