Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết sở sẽ rà soát, chấn chỉnh những trường thiết kế thời khóa biểu chưa đáp ứng mục tiêu dạy 2 buổi/ngày, gây áp lực cho học sinh.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc
Năm học 2023-2024, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học toàn TP là 80,66%; THCS đạt 76,03%. Riêng bậc THPT đạt 100%. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM về việc dạy học 2 buổi/ngày tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.
+ Phóng viên: Theo tìm hiểu, nhiều trường THCS, THPT thiết kế thời khóa biểu dạy 2 buổi/ngày lên đến 9 tiết/ngày, thiên về tăng cường dạy các môn văn hóa khiến việc học của học sinh thêm áp lực. Trong khi đó, Chương trình GDPT 2018 hướng đến mục tiêu giảm tải, ông nhìn nhận như thế nào về việc này?
– Ông Nguyễn Bảo Quốc: Việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày của các trường trung học nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của gia đình, xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh, tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Trong đó, việc hỗ trợ kiến thức, nâng cao năng lực học tập cho học sinh trung học để có thể tham gia tốt các kỳ tuyển sinh, tốt nghiệp THPT cũng như các yêu cầu của tuyển sinh đại học là một trong những trọng tâm được trường chú trọng. Việc lựa chọn môn học, số tiết học dạy buổi 2 cũng căn cứ trên sự lựa chọn hướng đi của học sinh và sự đồng thuận của phụ huynh.
Hiệu trưởng, hội đồng chuyên môn trường sẽ chịu trách nhiệm các nội dung giảng dạy bổ sung, nâng cao phù hợp với từng đối tượng học sinh cũng như đẩy mạnh các hoạt động giáo dục khác nhằm giúp học sinh nâng cao kỹ năng, phát triển năng khiếu, tham gia các hoạt động xã hội.
Với thời lượng trong kế hoạch học 2 buổi/ngày không học thêm nội dung mới mà chỉ nhằm củng cố, rèn luyện thêm các nội dung thuộc Chương trình GDPT và bổ sung các hoạt động giáo dục. Khi các trường thực hiện đúng như vậy sẽ không gây quá tải nơi người học.
Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ rà soát, chấn chỉnh việc dạy 2 buổi/ngày với các trường chưa đảm bảo quy định
Sở yêu cầu hiệu trưởng có giải pháp xử lý nếu giáo viên dạy 2 buổi/ngày gây áp lực cho học sinh. Riêng trường nào thực hiện không đúng, qua kiểm tra, giám sát, Sở GD-ĐT sẽ xử lý. Sở rất mong phối hợp của cha mẹ học sinh để phát hiện, điều chỉnh các sai phạm này.
+ Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận như thế nào về việc trường tổ chức các hoạt động giáo dục khác vào thời khóa biểu chính khóa khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày?
– Chương trình GDPT 2018 có hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của chương trình GDPT gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn (bậc THPT).
Trong đó, với giáo dục tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học thực hiện chương trình GDPT, mỗi tiết 35 phút, tương đương 35 tiết/tuần. Mỗi tuần, học sinh lớp 1, 2 chỉ học 25 tiết; học sinh lớp 3 học 28 tiết; học sinh lớp 4, lớp 5 học 30 tiết. Hiệu trưởng trường tiểu học cần chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, sắp xếp thời khóa biểu không quá 7 tiết học một cách khoa học, hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục, về thời lượng và thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học.
Do vậy, thời gian dư ra chưa đủ thời lượng dạy học 2 buổi/ngày là 35 tiết/tuần thì trường sẽ tổ chức các hoạt động giáo dục khác, như các môn tự chọn nếu nhà trường có điều kiện và phụ huynh có nhu cầu, đồng thời tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao, văn nghệ, rèn kỹ năng, năng khiếu… Sở khuyến khích tổ chức dưới hình thức CLB từng khối lớp và theo nhu cầu, tự nguyện của phụ huynh học sinh.
Với yêu cầu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP và cả nước, ngoài chương trình khung theo Thông tư 32, TP.HCM đã sớm đưa mục tiêu “hội nhập” vào các cấp học phổ thông theo hướng nâng cao trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh. Vì vậy, các trường đẩy mạnh đưa các chuẩn quốc tế về tiếng Anh, tin học, mô hình 3D trong dạy học, chương trình tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, được phụ huynh học sinh quan tâm, tham gia tích cực trong nhiều năm qua.
Hiệu trưởng cần căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, định hướng phát triển của nhà trường, nhu cầu đăng ký của học sinh và cha mẹ học sinh để lựa chọn và xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục khác thực hiện các đề án của ngành, TP; tạo điều kiện để học sinh vui chơi, giải trí, rèn luyện năng khiếu… nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, hội nhập quốc tế của học sinh tiểu học TP.HCM.
Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ chỉ đạo phòng chuyên môn tiếp tục rà soát, chấn chỉnh, nhắc nhở các trường chưa thực hiện đúng mục tiêu việc dạy học 2 buổi/ngày. Chỉ đạo các trường rà soát sắp xếp thời khóa biểu dạy học 2 buổi/ngày đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình GDPT với các môn học, hoạt động giáo dục, tăng cường các hoạt động giáo dục theo quy định chương trình và hướng dẫn đặc thù từng cấp học, bậc học.
Sở GD-ĐT đề nghị các trường tăng cường truyền thông chủ trương, kế hoạch và các giải pháp của trường vì sự phát triển toàn diện của học sinh để nhận được sự đồng thuận, hợp tác, tin yêu của phụ huynh cùng thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, do Chương trình GDPT 2018 có sự thay đổi căn bản và toàn diện nên một số quy định, hướng dẫn cũng cần có sự điều chỉnh nhằm phát huy tốt nhất hiệu quả của việc triển khai. Về điều này sở sẽ có kiến nghị thêm với Bộ GD-ĐT.
+ Một số trường trung học hiện thiết kế đưa một số tiết học trong thời khóa biểu dạy 2 buổi/ngày lên trực tuyến để giảm tải thời lượng dạy và học ở trường. Theo ông, hình thức này có phù hợp?
– Hiện nay, Sở GD-ĐT TP.HCM đã giao quyền tự chủ cho trường trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Việc phối hợp dạy học trực tiếp trên internet cũng đã có đầy đủ pháp lý. Hội đồng chuyên môn tư vấn cho hiệu trưởng các giải pháp phù hợp.
Hơn nữa, từ năm học này, Nghị quyết 04 của HĐND TP.HCM đã tạo điều kiện rất lớn cho nhà trường khi có nội dung về chuyển đổi số. Hệ thống cơ sở dữ liệu và các hệ thống dạy học trực tuyến như LCMS, LMS đã triển khai cũng sẽ góp phần giảm tải áp lực học trực tiếp. Trong mục tiêu chuyển đổi số giáo dục, TP.HCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 tối thiểu 25% nội dung chương trình giáo dục ở bậc tiểu học và 35% ở bậc trung học được đưa lên hình thức trực tuyến.
Do vậy, các trường học, đặc biệt là trường trung học cần chủ động xây dựng đưa thời lượng dạy 2 buổi/ngày lên hình thức trực tuyến và thông tin đầy đủ phụ huynh, học sinh đồng thuận để đạt mục tiêu giáo dục.
+ Xin cảm ơn ông!
Đỗ Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)